Bắc Ninh đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh giai đoạn 2015 – 2030” như một giải pháp quan trọng tạo nên nét khác biệt cho một thành phố tương lai.
 

 Làng cổ Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) một trong những “địa chỉ” kiểu mẫu trong việc bảo tồn không gian làng trong đô thị. (Ảnh: Hoàng Thi).
Làng cổ Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) một trong những “địa chỉ” kiểu mẫu trong việc bảo tồn không gian làng trong đô thị. (Ảnh: Hoàng Thi).


Tuy nhiên, theo PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng thì để đưa Đề án áp dụng vào thực tế là một hành trình đầy gian nan. Theo ông Hải, nên xem xét cái cần giữ ở làng cổ Bắc Ninh là gì? Cái mà làng cổ nơi đây cần giữ chính là cảnh quan sinh thái nhân văn của làng cổ. Ngoài ra là cấu trúc không gian làng cổ và các di tích tiêu biểu. Bên cạnh đó, chính nếp sống, lối sống của người dân địa phương ở đây trở thành đối tượng hấp dẫn cho du lịch tương lai. Khác với di tích “chết” (di chỉ khảo cổ, di – phế tích kiến trúc, di sản tư liệu…), những di tích sống “sống” (làng cổ, phố cổ, đô thị cổ…) vẫn có sự hiện diện của con người ở đó và hàng ngày, hàng giờ chịu tác động của chính con người. Cuộc sống của những người dân sống trong hoặc bên các khu di tích luôn nặng trĩu nỗi lo mà các nhà quản lý chưa thật sự quan tâm, thấu hiểu.

Chính vì quá bức bách về chỗ ở, trong thời gian qua, nhiều hộ dân tự ý cải tạo, xây dựng nhà ở không xin phép, gây mất cảnh quan, không bảo vệ được nguyên trạng về mặt bằng và không gian của di tích. Đây được coi là bằng chứng về sự “đứt gãy” trong quy hoạch Bắc Ninh nói riêng, sự sai chênh giữa bảo tồn và phát triển nói chung. Chính vì chưa phân định một cách rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan, ban ngành nên trách nhiệm quản lý việc cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình cụ thể tại thôn/làng còn nhiều bất cập. Dẫn đến nhiều công trình xây dựng sai phép hoặc người dân tự ý xây mà không xin phép, phần vì công cụ pháp luật không đủ răn đe, song đa phần là do thủ tục xin phép xây dựng rườm rà, không biết xin ai, xin ở đâu? Đó chưa kể còn nặng cơ chế xin-cho.

 


Một bất cập nữa là từ trước đến nay, chúng ta chỉ mải quan tâm tới bảo tồn di sản mà quên mất đi người dân đang sinh sống trong những di sản, họ chính là cái “hồn” của làng. Chính vì vậy, nếu chỉ lo giữ những ngôi nhà cổ cùng không gian kiến trúc truyền thống mà coi nhẹ quyền lợi dân sinh của những “con người cổ”, thì khó mang lại kết quả như mong muốn trong công tác bảo tồn di tích.

Người dân ở làng cổ Bắc Ninh còn thêm nỗi khổ vì mô hình phát triển du lịch. Theo thống kê, mỗi năm du khách kéo về thăm làng cổ Bắc Ninh không hề ít nên đời sống sinh hoạt của người dân địa phương bị xáo trộn đáng kể. Sống ngay trong nhà mình, nhưng chẳng có nổi một không gian yên tĩnh, nhất là lúc ốm đau, mệt mỏi. Ấy vậy mà, những gì mang lại từ du lịch thì chẳng mấy người dân được hưởng.

Bảo tồn không gian làng không thể theo hướng “mô hình hóa”, “bảo tàng hóa” làm đóng băng một số ngôi làng và những hoạt động trong đó, cản trở sự xuất hiện của những tố đô thị, đi ngược quy luật phát triển. Chúng ta có thể bảo tồn nguyên vẹn một dấu tích kiến trúc, nhưng chúng ta không thể bảo tồn bằng cách giữ nguyên và cản trở sự phát triển của một “cơ thể” sống – làng, cho dù ban hành chính sách hay luật định”. Di sản không được sử dụng sẽ bị mai một, để công tác bảo tồn được bền vững, các công trình cổ cần được đưa vào phục vụ các mục đích sử dụng hiện nay. Trong các ngôi làng cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ mà trong đó có tỉnh Bắc Ninh ít nhiều đều chứa đựng các di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể. Di sản văn hóa bao gồm các thiết hế tín ngưỡng – tôn giáo, các công trình công cộng và những ngôi làng truyền thống.

Như vậy, một làng cổ phải giữ được cái đã có và đang có trong mối cộng sinh hài hòa. Cần một hệ thống chính sách với những biện pháp như Nhà nước mua lại để bảo tồn nguyên trạng những ngôi nhà thật sự tiêu biểu, điển hình; cho phép cải tạo các nhà khác để thích ứng với nhu cầu người dân; nhà xây phải có thiết kế phù hợp với cảnh quan chung; giữ gìn các khuôn viên, không gian công cộng và quan trọng là điều tiết cảnh quan không gian, hình thái chuyển tiếp của làng. Nhưng bối cảnh cảnh phát triển như hiện nay, việc giữ được những không gian, cảnh quan thoáng đãng, rộng rãi, nhiều mặt nước, cây xanh cùng những công trình kiến trúc truyền thống của làng quê quả là khó. Vì thế, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của di tích phải có sự tham gia của cộng đồng. Chỉ khi những vấn đề dân sinh được giải quyết hợp tình, hợp lý, chừng đó người dân mới yên lòng sống cùng di sản.      

 

Theo Đại đoàn kết

.