Khi thần tượng âm nhạc Việt Nam nhí (Vietnam Idol Kids) vừa kết thúc, thì Giọng hát Việt nhí mùa thứ 3 (The Voice Kids) đã chính thức lên sóng. Điểm khác biệt lớn nhất của cả hai chương trình có thể nhìn thấy ngay là đội ngũ giám khảo được trẻ hóa đặc biệt với những cái tên đang rất thu hút khán giả như: Issac, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi…

Khoan bàn đến các yếu tố chuyên môn, nhiều người cho rằng, “thay máu” đội ngũ giám khảo sẽ đem lại sự trẻ trung, tươi mới cho các chương trình tìm kiếm tài năng này. Nhưng hình như, sự nổi tiếng của đội ngũ giám khảo trẻ không khỏa lấp được sự non kinh nghiệm trong vai trò người ngồi ghế nóng của họ. Vì thế, đôi lúc, họ trở nên quá đà vì tuổi trẻ của mình.

Chương trình Vietnam Idol Kids đã kết thúc, nhưng “câu chuyện Hồ Văn Cường” thì vẫn nóng trên các diễn đàn và báo mạng. Nhìn chung, có 2 luồng ý kiến: “ném đá” Hồ Văn Cường và “bảo vệ” Hồ Văn Cường  - cậu bé đã chiến thắng của chương trình này, trong những người bảo vệ em, có cả các giám khảo - những người đã ngồi trên ghế nóng và tung hô Hồ Văn Cường như một thiên tài âm nhạc.

Rất nhiều khán giả đã chỉ ra rằng, phản ứng thái quá của nhiều người có nguyên nhân từ sự “tung hô quá đà” của ban giám khảo trên sóng truyền hình... Từ những lời ngợi khen đậm mùi tâng bốc cho đến những mỹ từ như: “Thần đồng”, “sứ giả cảm xúc”... dành cho cậu bé mới đi hát, khi mà em vẫn còn những điểm yếu đáng ra phải được chỉ dẫn một cách thẳng thắn, khen chê có chừng mực, khách quan để em cố gắng hoàn thiện bản thân hơn.

Những biểu thị như: Gương mặt thẫn thờ, khóe mắt rưng rưng, hoặc đứng dậy vỗ tay cuồng nhiệt và đỉnh điểm là cúi đầu vái lạy (bái phục) - hành động lẽ ra không nên có của giám khảo Tóc Tiên và Isaac khi Hồ Văn Cường trình diễn xong ca khúc Bà Năm trong đêm chung kết 17-7. Tất cả những điều đó đã cho thấy sự quá đà của giám khảo. 

 

 Noo Phước Thịnh và Đông Nhi được kỳ vọng sẽ đem lại sức hút cho The Voice Kids năm nay, bằng chứng là họ rất đông fan theo dõi, nhưng hình như các giám khảo trẻ đang có phần thể hiện “hơi quá”.
Noo Phước Thịnh và Đông Nhi được kỳ vọng sẽ đem lại sức hút cho The Voice Kids năm nay, bằng chứng là họ rất đông fan theo dõi, nhưng hình như các giám khảo trẻ đang có phần thể hiện “hơi quá”.


Sự quá đà này đến từ cách cường điệu trong nhìn nhận, từ việc muốn quan trọng hóa vấn đề mà thực chất nó không phải như thế. Mục đích là để khán giả thấy chương trình rất đáng xem vì ở đó có những tài năng âm nhạc đáng ngưỡng mộ. Và sự đánh giá, nhận xét của các giám khảo đối với các thí sinh nói chung và Hồ Văn Cường nói riêng cũng nằm trong sự quá đà đó.

Thực ra lỗi không phải của Hồ Văn Cường, mà lỗi ở việc ban tổ chức chương trình và các giám khảo đã tự đặt Hồ Văn Cường thành một nhân tố để khai thác yếu tố câu view cho chương trình, khi ngay từ đầu, đã chú trọng vào gia cảnh có phần nghèo khó của em.

Nhiều ý kiến cho rằng: Ban tổ chức cố tình xoáy sâu vào hoàn cảnh nghèo của gia đình bé Hồ Văn Cường để làm điểm nhấn cho chương trình và khán giả đã xót thương sự nghèo khó ấy… Về điểm này thì cần nói rõ rằng, trường hợp Hồ Văn Cường rất đúng với slogan của chương trình gốc Pop Idol: “From zero to hero” (từ số không đến người hùng). Không phải là em bé “con nhà nòi”, hoặc được học nhạc, hoặc tập luyện sinh hoạt trong một đội ca của nhà văn hóa… mà chỉ là em bé nghèo, quê mùa, đi hát đám cưới từ năm 10 tuổi, không biết một nốt nhạc… nhưng lên ngôi quán quân. Nếu có sự cố tình làm đậm gia cảnh của Hồ Văn Cường và từ đó khán giả cám cảnh mà bầu chọn, đó cũng là điều thường thấy ở một chương trình truyền hình thực tế…

Giám khảo Văn Mai Hương từng có lúc nhận xét, mong rằng mọi người thích Cường, quan tâm đến Cường vì em hát hay chứ không phải vì em có gia cảnh nghèo khó, nhưng điều này trở nên quá khó khi ngay từ đầu, chương trình đã lấy gia cảnh của Hồ Văn Cường làm điểm nhấn, đã “vô tình” để Hồ Văn Cường diễn ở những vị trí “đinh”, nhằm tập trung sự chú ý vào em và thường để giám khảo dành cho em những mỹ từ có cánh, dẫu rằng, Hồ Văn Cường vẫn có những hạn chế mà người xem – dù ít chuyên môn có thể vẫn nhận ra.

Nếu mọi chuyện chừng mực, giám khảo tiết chế và có sự khen chê công bằng, có lẽ chiến thắng của Hồ Văn Cường sẽ vui thực sự, và một cậu bé tuổi còn nhỏ như em không phải nhận về mình những chỉ trích thái quá từ một bên anti – rất nhiều phản ứng dữ dội với một đứa trẻ chỉ hơn 10 tuổi.

Vietnam Idol Kids vừa kết thúc thì khán giả lại được dịp phát cuồng với sự ra mắt toàn gương mặt trẻ ngồi ghế nóng của The Voice Kids mùa 3: Noo Phước Thịnh, Đông Nhi – Ông Cao Thắng và Vũ Cát Tường. Rõ ràng, những gương mặt mới đem đến sức hút nhờ lượng fan hùng hậu của mỗi người, nhưng không hẳn, những cái mới, cải trẻ của họ có thể làm chúng ta “cuồng” đến thế. Riêng Vũ Cát Tường có sự điềm đạm, tiết chế thì Noo Phước Thịnh và Đông Nhi lại gây nhiều ý kiến tranh cãi khi bên ủng hộ cho rằng họ rất hoạt ngôn, khuấy động chương trình, bên phản đối cho rằng hình như cách nói của hai HLV trẻ này hơi “luyên thuyên” và thiếu trọng tâm đối với trẻ em. Noo và Đông Nhi tranh cãi đủ chuyện, có những chuyện không liên quan đến việc thuyết phục thí sinh về đội của mình, theo kiểu: “Cô Nhi, chú Thắng sắp cưới, không có thời gian quan tâm đến con đâu”, hay “Vợ chú Nguyễn Hải Phong vừa sinh, chú phải chăm em bé không để ý đến con được”… Hay “Nhà có nhiều chó thì hôi lắm”…

Bản thân các giám khảo của The Voice Kids năm nay là những người đồng trang lứa, rất thân nhau ở ngoài đời, nhưng khi ngồi ghế nóng chương trình, sự suồng sã quá với nhau của họ khiến không ít phụ huynh thấy chưa thỏa mãn, bởi họ đang nói với nhau những việc các thí sinh nhỏ tuổi không hiểu, nhiều câu chuyện hơi “quá đà” để lên sóng truyền hình và sự tung hô của họ đối với thí sinh theo kiểu “con có chất giọng khủng”… rõ ràng lại đang như kịch bản “tâng” thí sinh lên mây của Vietnam Idol Kids.

Giám khảo các cuộc thi tài năng nhí, không đơn giản chỉ là tài năng chuyên môn, họ còn phải là một nhà tâm lý, một nhà giáo dục, có ứng xử phù hợp với trẻ nhỏ, để các em tự tin thể hiện bản thân nhưng cũng biết những điểm chưa hoàn thiện của mình để cố gắng khắc phục. Để các em không bị sốc nếu bị loại nhưng cũng đủ tâm thế để vượt qua những lời khen, chê nếu chiến thắng. Tiếc rằng, nghề giám khảo ở Việt Nam vẫn thiếu những gương mặt chuyên nghiệp, đa phần dựa vào sự nổi tiếng, mức độ hút khách của giám khảo ấy mà thôi. Vì vậy, người hâm mộ chỉ biết hi vọng, giám khảo trẻ, đừng quá đà khi ứng xử với thí sinh nhí.

 

Theo PL&XH

.