Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã cất công sưu tầm rất nhiều cổ vật, trong đó hầu hết là những cổ vật mang đậm văn hóa Tây Nguyên. Tuy nhiên, do không có đủ chỗ để trưng bày nên phần lớn các hiện vật này đành phải cất vào kho.

Những năm qua, các cán bộ ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai không chỉ dày công sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản… các hiện vật và tư liệu về các dân tộc; mà họ còn luôn cố gắng níu giữ, ngăn chặn sự “chảy máu” văn hóa của người dân Tây Nguyên khi nhiều cổ vật của bà con như cồng chiêng, ghè cổ… luôn bị những người săn đồ cổ lùng mua để mang ra nước ngoài bán kiếm lời. Để làm được điều này, các cán bộ, nhân viên của Bảo tàng phải vất vả vào từng bản làng để thuyết phục bà con bán lại cho Bảo tàng thay vì bán cho những người săn đồ cổ.

Và đến nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã sở hữu gần 10.000 hiện vật, trong đó phần lớn là những hiện vật tượng trưng cho văn hóa của người dân Tây Nguyên như: cồng, chiêng, ghè, trống… Tuy nhiên, thay vì được trưng bày cho người dân xem khi đến tham quan thì phần lớn hiện vật trên gồm 8.000 hiện vật lại bị cất vào kho, do chưa có không gian để trưng bày.
 

 Những chiếc ghè cổ của người đồng bào Tây Nguyên đang được Bảo tàng lưu giữ trong kho
Những chiếc ghè cổ của người đồng bào Tây Nguyên đang được Bảo tàng lưu giữ trong kho


Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân- Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết, hiện Bảo tàng tỉnh có 6 phòng trưng bày, nhưng không có 1 phòng trưng bày chuyên đề nào. Các phòng trên chỉ trưng bày được 1.000 hiện vật. Không chỉ thiếu không gian trưng bày, mà không gian còn bị chia cắt nhỏ lẻ khiến nội dung trưng bày của bảo tàng không có khoảng trống để thay đổi nhịp điệu, chuyển đề tài.

Còn 8.000 hiện vật đang nằm trong kho chủ yếu là trống, cồng, chiêng, tượng gỗ dân gian. Trong số đó, có nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm có giá trị văn hóa lịch sử cao.

“Chỉ cần nghe tin về một hiện vật như một chiếc ghè có giá trị lịch sử về mặt văn hóa, là các anh em bảo tàng liền xuống đặt vấn đề với chủ nhân để cố gắng mua bằng được. Trong khi kinh phí của bảo tàng hạn hẹp, còn những người mua đồ cổ thì không là vấn đề gì. Nên cán bộ bảo tàng phải thuyết phục cả chủ nhân lẫn những người mua đồ cổ mới có được hiện vật. Nhưng giờ lại bỏ trong kho, không phát huy hết giá trị của hiện vật”, cán bộ bảo tàng than thở.
 

 Các hiện vật thời chiến tranh cũng không có chỗ trưng bày
Các hiện vật thời chiến tranh cũng không có chỗ trưng bày


Việc các hiện vật bị cất vào kho không chỉ là điều thiệt thòi cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ đang sinh sống tại Gia Lai khi họ muốn tìm đến Bảo tàng để tìm hiểu, tham quan những văn hóa truyền thống của người dân Tây Nguyên qua các hiện vật.

Không chỉ vậy, việc thiếu nơi trưng bày còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo quản hiện vật. Đặc biệt là các hiện vật văn hóa truyền thống như trống, tượng gỗ dân gian không có hệ thống bảo quản đạt yêu cầu sẽ dẫn đến nguy cơ giảm “tuổi thọ” là điều không tránh khỏi.

Tiến sĩ Vân bày tỏ thêm: “Lâu nay, các cán bộ Bảo tàng luôn cố gắng khắc phục bằng các đưa các hiện vật ra giới thiệu gắn với các sự kiện văn hóa được tổ chức. Nhưng về lâu dài, bản thân bà và những cán bộ đang công tác nơi đây vẫn luôn ấp ủ mở được một không gian trưng bày ngoài trời gắn với các hiện vật là tượng gỗ dân gian hoặc mô hình các nhà sàn…”.

Một số hình ảnh về các hiện vật khác không có chỗ trưng bày:

 


Theo Dân trí

.