Nhiều năm đã qua, con đường Lý Tự Trọng vẫn như thế: không sang trọng, không quá nhộn nhịp, cũng không trầm mặc… Thật khó để tìm một từ hay cụm từ thích hợp để khái quát tất cả những gì thuộc về con đường này.
 
 
Bình yên nhưng không tẻ nhạt, nhộn nhịp, tiện nghi nhưng không quá xô bồ, đường như Lý Tự Trọng mang hơi thở vừa phải của nhịp sống Đà thành.
 
Con đường mang tên người anh hùng Lý Tự Trọng dài hơn 1km, rộng 8m nối đường Bạch Đằng với đường Hải Hồ, cắt ngang đường Đống Đa. Thời Pháp thuộc, đường này xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng với tên gọi là đường Gia Long (1904). Sau 1975 đổi tên thành Lý Tự Trọng và tồn tại cho đến ngày nay.
 
Tôi vẫn nhớ rất rõ những điều từng được đọc về vị anh hùng tuổi thiếu niên, người thà chịu án tử hình khi chưa tròn 18 tuổi chứ không chấp nhận sự khoan hồng của thực dân với lý lẽ: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thanh niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”…
 
Có lẽ, chính sự khảng khái của vị anh hùng thiếu niên đó đã khiến tôi thêm trân trọng và dần dần hình thành tình yêu dành cho con phố nhỏ mang tên Lý Tự Trọng…
 
Có thể khẳng định, Lý Tự Trọng là con đường đặc biệt, nơi tập trung những cái “nhất” của Đà Nẵng nhưng vẫn gần gũi, thân thuộc chứ không hào nhoáng, xa cách. Từ đường Bạch Đằng dẫn vào đường Lý Tự Trọng là tòa nhà Novotel chọc trời, sang trọng bậc nhất thành phố. Với 37 tầng, Novotel là một trong những khách sạn 5 sao cao nhất miền Trung.
 
Từ Novotel bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và dịu mát tầm mắt với những khoảng xanh mênh mông của thiên nhiên cây cỏ hay tận hưởng trọn vẹn luồng gió mát trong lành từ dòng sông Hàn thơ mộng.
 
Kế Novotel, băng qua đường Trần Phú là tòa nhà Trung tâm hành chính - điểm nhấn ấn tượng cho cho du khách cũng như bạn bè bốn phương về một Đà Nẵng hiện đại, năng động, là minh chứng cho sự phát triển không ngừng, vượt bậc của thành phố trong suốt những năm qua.
 
Trung tâm hành chính được xây dựng với mục đích là nơi làm việc tập trung của UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn, hiện đại hóa quy trình quản lý hành chính thông qua mô hình quản trị tập trung, góp phần hình thành một nền hành chính mới hiện đại, năng động, hòa mình với sự phát triển chung của các mô hình quản lý hành chính trên thế giới.
 
Từ đây, những hàng quán mới như An Thạnh, phở Hồng… cũng vừa mọc lên hoặc cải tiến theo “phong cách mới” thoáng rộng, sạch sẽ để phục vụ lượng thực khách lớn từ các tòa nhà.
 
Kế bên cạnh là những quán cà phê nhẹ nhàng, trang nhã nhưng cũng rất hiện đại, là nơi lý tưởng để người Đà Nẵng vừa thưởng thức cà phê, vừa đọc sách hay thầm thì trò chuyện cùng bạn bè. Đặc biệt, không náo nhiệt và sầm uất như các quán cà phê trên đường Bạch Đằng, quán DaNang Souvenirs tại góc đường Lý Tự Trọng là địa điểm yêu thích của nhiều bạn trẻ ngoại quốc muốn tìm đến với những giai điệu dịu dàng, sâu lắng, nơi các bạn vừa có thể nhâm nhi cà phê, vừa đọc sách, vừa tìm hiểu và mua sắm những món quà kỷ niệm mang đậm dấu Đà Nẵng… Đường Lý Tự Trọng ở đoạn này, vì vậy mang dáng vẻ tươi sáng, hiện đại và khác biệt.
 
Qua các ngã tư giao với Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Đống Đa… con đường dần trở lại dáng vẻ thân thiện, gần gũi, nơi hội đủ nhịp sống bình dị, đầy đủ, tiên nghi của người dân phố thị với những quầy quần áo trẻ em, người lớn, tạp hóa, hàng ăn đủ chủng loại, tiệm cho thuê đồ cưới, quầy in, phô tô, chụp ảnh…
 
Chính sự đa dạng và dân dã này đã tạo nên nét khác biệt với con đường Nguyễn Du chạy song song. Dù rất gần nhau và đều nối ra đường Đống Đa nhộn nhịp, song so với Lý Tự Trọng, đường Nguyễn Du lại có vẻ trầm mặc, uy nghiêm hơn.
 
Một trong những điều tạo nên nét yên bình, cảm giác an tâm của cư dân sinh sống trên con đường này có lẽ là sự hiện diện của trụ sở Công an thành phố (một mặt Lê Lợi, một mặt Lý Tự Trọng), phòng Cảnh sát giao thông, các đội Cảnh sát cơ động thường xuyên túc trực… Hẳn có người sẽ nghĩ rằng, nhận định như thế là khiên cưỡng, nhưng thực sự đó là cách nghĩ của người dân nơi đây, bởi sự có mặt của lực lượng gìn giữ an ninh trật tự luôn đem lại cho họ cảm giác bình yên.
 
Không chỉ vậy, con đường hơn 1km này còn là nơi tập trung của những hàng ăn mộc mạc, bình dân như bánh bèo, ướt, nậm, lọc đến bánh canh, bún mắm… đặc biệt còn có những món bún hến, cơm hến, bánh ép Huế và hàng vịt lộn sáng trưng mỗi đêm tại đoạn ngã tư giao với đường Lê Lợi. Cả chục hàng vịt lộn quây quần, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn, cãi cọ. Trời chập choạng tối, các hàng trứng bắt đầu dọn, ai ngồi chỗ người đó, rồi mỗi hàng đều có những khách quen, khách lạ của riêng mình…
 
Nhiều năm đã qua, con đường Lý Tự Trọng vẫn như thế: không sang trọng, không quá nhộn nhịp, cũng không trầm mặc… Thật khó để tìm một từ hay cụm từ thích hợp để khái quát tất cả những gì thuộc về con đường này.
 
Và cũng thật nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tôi mỗi khi có dịp đi qua con đường: có khi là sự bồi hồi nhớ lại những xúc cảm kính phục từ thời thơ bé về vị anh hùng niên thiếu Lý Tự Trọng; có khi là những kỷ niệm, ấn tượng bình dị đầu tiên của tôi về thành phố bên bờ sông Hàn; và cũng có khi đơn giản chỉ là khuôn mặt, nụ cười niềm nở của những người buôn bán nhỏ hồn hậu trên con đường, rồi những món ăn dân dã mà đôi khi chúng ta ăn không đơn thuần chỉ là ăn…
 
Theo Báo Đà Nẵng
.