(BVPL)-Tìm kiếm, nhận diện được hiền tài đã khó, nhưng làm thế nào để thu hút, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để những người tài có thể cống hiến hết mình, thực sự có hiệu quả cho đất nước thì còn muôn phần khó khăn hơn nữa.
Câu chuyện nhân tài “có đi, không có về” đã nhiều lần nữa được đưa ra phân tích, mổ xẻ với nhiều trăn trở, suy nghĩ của các cấp quản lý, nhưng tình trạng các tài năng đi du học nước ngoài và không trở về nước vẫn đang là vấn đề nhức nhối và chưa tìm được lời giải hữu hiệu cho bài toán khó này.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác thanh niên, luôn đặt thanh niên ở vị trí trọng tâm trong chiến lược phát triển con người. Và gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang kêu gọi, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho những người trẻ có thể khởi nghiệp thành công.
Tại một số cơ quan, đơn vị vì quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người tài phát triển, cống hiến hết sức lực mà tính đến việc đề bạt vào các vị trí phù hợp để phát huy tối đa khả năng và thực tài của bản thân, thế nhưng, từ đó lại nảy sinh nhiều chuyện ồn ào, bình luận, bàn tán vì lên chức nhanh, bổ nhiệm “thần tốc” hay “siêu tốc”?
|
Ở tuổi 27, Vũ Minh Hoàng (áo trắng bên trái) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với kết quả xuất sắc tại trường Đại học Tokyo Nhật Bản. |
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa đã khiến nhiều người có tài, có năng lực không muốn ở lại cơ quan Nhà nước để cống hiến, làm việc bởi họ phải chịu nhiều sức ép nằm ngoài công tác chuyên môn, từ đó, không nhìn thấy cơ hội của mình hoặc tạo ra cảm giác môi trường làm việc không phù hợp.
Từ thực tế mới đây cho thấy, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo Kết luận một số vụ việc nổi cộm tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, câu chuyện “Phó Vụ trưởng trẻ tuổi Vũ Minh Hoàng” lại nổi sóng cồn thêm một lần nữa.
Và như quy luật bất thành văn, dư luận ồn ào cũng có tính hai mặt của nó.
Một mặt phản ứng khá quyết liệt và gay gắt, vì cho rằng việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng có điều bất thường, không bảo đảm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…
Vậy nhưng, ở một góc nhìn khác đáng giá, cái tồn tại, thiếu sót ở đây là do quy trình, thủ tục, chứ đối với Hoàng, thật đáng ngưỡng mộ quá đi chứ, với tài năng, trí tuệ, khát vọng của tuổi trẻ và mong muốn được khẳng định mình để cống hiến cho quê hương, đất nước thì đó đâu phải tội lỗi.
Trong khi rất nhiều du học sinh ở Mỹ và phương Tây tìm mọi cách ở lại bằng được “xứ người”, được coi là chuyện bình thường, việc một cán bộ 9X biết 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Nhật Bản, có 1 bằng đại học, 2 bằng thạc sĩ và chỉ gần vài ngày nữa tốt nghiệp tiến sĩ, sau khi du học trở về Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, tại sao lại bất thường?
Trước hết, phải nói về một thực trạng, đó là thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ bổ nhiệm “thăng tiến”, “thần tốc”… nên việc hoài nghi không phải không có lý do. Do vậy, không thể “vơ đũa cả nắm” rồi phủ nhận sạch trơn đi tất cả.
Hiện tượng “sóng” dư luận đã làm ảnh hưởng tới không ít cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, đặc biệt cán bộ trẻ hoang mang càng tìm cách rời bỏ đất nước, mặc dù thâm tâm họ rất muốn ở lại đất nước để cống hiến sức lực, tài năng của mình. Nguy hiểm hơn là làm nhân dân mất lòng tin vào những cán bộ có tâm, có tài thực sự.
Xử lý cái tồn tại, khuyết điểm, cũng “đừng để cháy thành vạ lây”
Có lẽ không ít người trong chúng ta luôn cổ súy cho cách dùng người “trọng thực tài chứ không trọng hư danh”, “trọng thực việc chứ không trọng bằng cấp” thì việc nhìn vào bằng cấp đồ sộ của Vũ Minh Hoàng không chỉ đi ngược lại những tiêu chí trên mà còn hình thành tư duy đánh giá phẩm chất cán bộ dựa vào “sơ yếu lý lịch”.
Vậy, năng lực của Hoàng qua học tập và công tác được nhận xét như thế nào?
Ông Vũ Q. H (cha của Hoàng) xác nhận việc Hoàng tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Thanh Hoa và Đại học Kent là hoàn toàn chính xác và bằng năng lực thật sự của bản thân. Bên cạnh đó, ông H. cũng thẳng thắn khẳng định Hoàng thông thạo 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha là đúng sự thật.
Bởi theo ông H., từ nhỏ Hoàng đã được gia đình cho học tiếng Pháp và tiếng Trung. Tuy nói là quê ở tận Bắc Ninh nhưng Hoàng vốn sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh và được gia đình tạo điều kiện theo học tại các trường danh giá của thành phố. Môi trường sống, điều kiện học tập tốt nhất cùng với năng khiếu về ngoại ngữ sẵn có nên Hoàng có điều kiện tiếp cận nhanh với nhiều ngôn ngữ của một số nước trên thế giới.
Nhận xét về cậu học trò, Phó Giáo sư CHEN Ling - Trường Chính sách công và Quản lý (SPPM), Đại học Thanh Hoa phải thốt lên rằng: “Hoàng là một thủ lĩnh sinh viên nổi bật và có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Cậu ấy luôn là một trong những thủ lĩnh của Câu lạc bộ tranh luận SPPM-IR Thanh Hoa. Các kỹ năng hợp tác nổi bật và nỗ lực tuyệt vời của cậu ấy đã giúp cho mọi hoạt động của Câu lạc bộ tranh luận thành công tốt đẹp. Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc khi chấp nhận một sinh viên xuất sắc như vậy”.
Tại chương trình nghiên cứu sinh ngành khoa Nông nghiệp và Cuộc sống tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) mà Hoàng đang theo học, Phó Giáo sư Hiroyuki Kawashima đã nhận thấy tài năng khác biệt của Vũ Minh Hoàng. “Tính đến bây giờ, tại Đại học Tokyo, tôi đã hướng dẫn cho khoảng 100 học viên, nhưng tôi thấy rằng, tài năng vô cùng xuất sắc của Vũ Minh Hoàng sẽ đứng top đầu. Tôi tin rằng, em ấy sẽ là nhân tài thích hợp nhất với tư cách là cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi mong muốn các quan chức Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét để sau khi Hoàng về nước sẽ được bổ nhiệm vào cương vị có thể phát huy được năng lực của minh” - Phó Giáo sư Hiroyuki Kawashima nhận xét cậu học trò.
Ông Nguyễn Văn Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc rất tâm đắc khi nói về Hoàng. “Trong thời gian học tại Trung Quốc, Hoàng là học sinh giỏi, xuất sắc, năng động, hăng hái trong sinh hoạt, tích cực tham gia các phong trào sinh viên. Quan điểm cách mạng vững chắc, động cơ đúng đắn, đạo đức tốt, không lung lay” - ông Thơ nói.
Nhận xét về những ồn ào gần đây liên quan đến Vũ Minh Hoàng, một vị nguyên lãnh đạo Đảng nhận định, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ, Hoàng được tuyển dụng, đề bạt như thế nào, có “chạy chọt” gì không? hay Hoàng tự đi bằng đôi chân, khả năng của mình. Tôi cho rằng, theo tinh thần khởi nghiệp mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ khuyến khích, thì tuổi trẻ như Vũ Minh Hoàng dám làm, dám đảm nhận công việc đó thì xứng đáng quá đi chứ.
“Trong vụ việc này, nếu kiểm điểm những người lãnh đạo thời kỳ đó tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vì nhiều khuyết điểm là có lý, nhưng đối với Vũ Minh Hoàng, nó chẳng khắc gì “cháy thành vạ lây”. Bởi lẽ, thời kỳ đó, việc đề bạt Vũ Minh Hoàng là do các cấp xét thấy năng lực, trình độ của Hoàng và đã tham mưu, đề nghị lãnh đạo Ban Chỉ đạo bổ nhiệm. Chúng ta đã nói rất nhiều về vấn đề “siêu tốc” trong quá trình bổ nhiệm cán bộ tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhưng dấu hiệu là gì, bằng chứng “chạy chọt” có hay không thì làm sao khẳng định người ta có khuyết điểm được. Ngoài ra, bản thân Hoàng rất chịu khó rèn luyện, học giỏi, thành thạo 5 thứ tiếng. Đáng lẽ, Hoàng cần phải được biểu dương là tấm gương sáng cho nhiều thanh niên Việt Nam. Đặc biệt, Hoàng được các giảng viên nổi tiếng đáng giá rất cao. Đại học Thanh Hoa, Tokyo là những ngôi trường Vũ Minh Hoàng học tập đều là cái nôi đào tạo ra lãnh tụ của Trung Quốc và Nhật Bản.
Một người lo bằng kho người làm, trình độ, trí tuệ dìu dắt hàng trăm người. Người như Hoàng là điểm sáng của lớp trẻ. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Ai đúng mà bị hàm oan cũng cần cũng xin lỗi, bồi thường danh dự. Chứ cứ duy ý chí, suy đoán cảm tính là có tiêu cực, con ông cháu cha mà đòi kỷ luật là vô lý. Nếu cứ để dư luân tự do suy xét như thế, ảnh hưởng rất đến môi trường thu hút tài năng mà nhiều năm qua chúng ta đã dày công vun đắp, gây dựng” - vị này nhấn mạnh.
Vũ Minh Hoàng có đủ năng lực để mang hàm Vụ phó?
Trước hết về hoài bão được phục vụ, cống hiến cho đất nước. Vũ Minh Hoàng được gia đình tạo điều kiện học đại học ở nước ngoài, lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Chính trị học với kết quả xuất sắc ở Trường Đại học Thanh Hoa - một trường đại học có danh tiếng ở Trung Quốc.
Trong những năm sống và học tập ở nước ngoài, bằng những kiến thức đã tích lũy được và bằng quan sát thực tiễn phát triển của đất nước mà Vũ Minh Hoàng sống và học tập, Hoàng đã có những trăn trở về sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân Việt Nam. Vũ Minh Hoàng luôn tự mình đặt câu hỏi: Mặc dù có rất nhiều lợi thế của một nền nông nghiệp nhiệt đới gió mùa nhưng vì sao nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chậm phát triển theo hướng hiện đại? Vì sao nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long - một vựa lúa lớn nhất của cả nước, hàng năm xuất khẩu hàng triệu tấn lúa gạo mà vẫn rất nghèo? Vì sao cuộc sống của người nông dân ven đô ở các thành phố, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, về cơ bản không được cải thiện nhiều trong và hậu quá trình đô thị hóa.
Ra nước nước ngoài sinh sống và làm việc, Vũ Minh Hoàng có thể hưởng mức thu nhập rất cao. Nhưng Hoàng đã nghe theo lời khuyên của gia đình về làm việc trong nước. Về nước làm việc, Hoàng còn nuôi hy vọng là sẽ tìm được trong thực tế những lới giải đáp dựa trên bằng chứng khoa học cho những trăn trở của mình về nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam trong tiến trình phát triển hiện đại. Chính điều này đã thôi thúc Hoàng về nhận công tác tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, để trên vị trí công tác của mình có điều kiện đóng góp trực tiếp đến sự phát triển và hội nhập quốc tế của nông nghiệp và nông thôn vùng.
Sau gần một năm công tác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 2014, Vũ Minh Hoàng được Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản tiếp nhận làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Ba năm sau, Vũ Minh Hoàng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình trong sự ngưỡng mộ của các thầy và của các bạn đồng nghiệp quốc tế đang theo học nghiên cứu sinh tại trường vì làm luận án tiến sĩ ở Nhật Bản với một quy trình rất khắt khe và đòi hỏi chất lượng cao về mặt khoa học, vì thế số nghiên cứu sinh nước ngoài bảo vệ thành công với thời hạn 2 năm là rất hiếm, thường phải kéo dài 4-5 năm, thậm chí có không ít người sau 5 năm vẫn chưa hoàn thành.
Luận án tiến sĩ của Vũ Minh Hoàng, như tên gọi ở trên về mặt nội dung có liên quan trực tiếp đến biến đổi kinh tế - xã hội trong đời sống nông dân của các huyện nông thôn ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị trong quá trình đô thị hóa. Đối tượng nghiên cứu của luận án là biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư trong quá trình đô thị hóa dưới tác động của phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực hội nhập quốc tế ở hai thành phố lớn nhất cả nước này để từ đó phân tích sự tác động của nó đến đời sống người nông dân ven đô. Sự gia tăng dân số, dòng người đổ xô vào hai thành phố để tìm việc làm và sự phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản làm gia tăng giá đất ở những vùng ven đô một cách bất thường và không thể kiểm soát được trên thị trường ngầm về đất đai là những yếu tố Hoàng đặc biệt quan tâm khi đi khảo sát thực tế.
Vũ Minh Hoàng đã tiến hành phỏng vấn qua bảng hỏi và phỏng vấn sâu 200 hộ nông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và 300 hộ nông dân ở thành phố Hà Nội còn sống ở địa phương hoặc đã di chuyển vào thành phố tìm việc làm mới để tìm lời giải đáp về sự biến đổi trong đời sống của người nông dân sau khi đất nông nghiệp của họ đã chuyển đổi thành đất thổ cư với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhìn từ góc độ một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, việc tiến hành khảo sát 500 hộ nông dân đã chứng tỏ một sự khác biệt về cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề dựa trên những bằng chứng thực tiễn trong nghiên cứu của Vũ Minh Hoàng.
Đất nước muốn phát triển thì phải trọng dụng, bổ nhiệm những con người bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo…, do đó, vấn đề cấp bách của Nhà nước là cần có các phương án, chính sách thiết thực hơn nữa trong việc ưu đãi, động viên, khích lệ những người học tập ở nước ngoài trở về. Nếu không nhân tài sẽ không muốn về nước phục vụ.
|
Môi trường làm việc mà ở đó tất cả cứ “bình bình” trôi qua, nếu có ai đó cấp tiến, muốn bứt phá mà không có cơ chế đề bạt, bổ nhiệm xứng đáng thì rất khó thu hút người tài về phục vụ tại các cơ quan nhà nước. |
Nếu vẫn cứ cứng nhắc giữ nguyên cách nhìn nhận và tuy duy cũ thì khả năng thăng tiến của những người trẻ tuổi sẽ bị hạn chế trong môi trường làm việc tại Việt Nam, nhất là trong các cơ quan nhà nước. Và rất có thể những người có tài năng thật sự phải đợi khi ngoài 40 - 50 tuổi mới được bổ nhiệm, mới làm cán bộ.
Theo nhiều chuyên gia, môi trường làm việc ở nhiều cơ quan nhà nước hiện nay quá nhiều gò bó, muốn thăng tiến phải có “ô dù,” phải được cơ cấu, thay vì dựa vào năng lực và tài năng của bản thân. Đây thực sự là “hòn đá tảng” ngăn cản những trẻ người có tài phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của mình.
Cán bộ là cái gốc của mọi việc, chính vì thế, công tác cán bộ là rất quan trọng, việc có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Ở mỗi góc độ khác nhau, mọi ý kiến phản ánh đều cần được lắng nghe và trân trọng, nhưng chúng ta cũng cần có nhìn chung nhất.
Năng lực đích thực của một con người cần được thử thách bằng thời gian và hiệu quả công việc. Chúng ta cần xem xét vấn đề này để đưa ra quyết định. Nhiều ý kiến cá nhân nói rằng, những người trẻ tuổi mà có tài năng thật sự thì nên có chế độ đãi ngộ riêng dành cho họ chứ không thể bắt hộ xếp hàng tuần tự được.
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, những nhân tài như Vũ Minh Hoàng thật sự là vật báu của đất nước. Những vật báu đó cần được trân trọng một cách đúng mức và chế độ đãi ngộ đặc biệt. Mặt khác, công tác bồi dưỡng, thu hút các tài năng trẻ cũng cần phải được cải thiện. Từ đó, các chính sách, sự quan tâm tin tưởng vào người trẻ của các cấp lãnh đạo chính là môi trường thuận lợi nhất giúp các tài năng trẻ Vũ Minh Hoàng, là Vụ phó trẻ tuổi của ngày hôm nay không còn lạ lẫm trong mắt người dân. Hơn nữa, tiếp tục vươn cao, vươn xa trên con đường sự nghiệp của mình, nguyện đem hết trí tuệ và tài năng phụng sự quê hương, đất nước.
Thanh Liêm