Độc đáo và giá trị là thế nhưng lâu nay, nhà cổ, di tích lịch sử, đình làng tại thành phố vẫn chưa được người dân và du khách biết đến rộng rãi, thậm chí nhiều di tích đang dần bị lãng quên.
 
 
Nỗ lực “cứu” di tích
 
Trải qua hàng trăm năm, nhiều di tích bị xuống cấp. Tuy nhiên, nhờ đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015” được UBND thành phố phê duyệt vào cuối năm 2013, nhiều di tích đình làng, di tích lịch sử bị xuống cấp được quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo.
 
Một số đình làng tại huyện Hòa Vang như đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên), đình Trước Bàu (xã Hòa Nhơn), đình Đại La (xã Hòa Sơn) khoác lên mình bộ áo mới, các khu di tích lịch sử cũng được đầu tư xây dựng như khu căn cứ cách mạng K20, Nghĩa trủng Hòa Vang…
 
Tại nhiều địa phương, nhân dân tự động đứng ra quyên góp tiền của để xây dựng, sửa chữa lại các đình làng đã bị xuống cấp hư hại như đình làng Yến Nê, Hòa Mỹ, Hòa Phú… Nhiều đình làng được trùng tu theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như đình làng Túy Loan, Bồ Bản, Đà Sơn…
 
Các đình làng, di tích ít ra còn có cơ hội được trùng tu, bảo tồn từ nguồn ngân sách của thành phố và địa phương, chứ nhà cổ chủ yếu là tài sản thuộc sở hữu của người dân nên khi bị hư hỏng, xuống cấp, việc sửa chữa, bảo tồn, giữ gìn phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nhà.
 
Ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhà cổ Tích Thiện Đường bày tỏ, thực ra trước đây, xã Hòa Nhơn cũng có vài ba chục ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối thuần Việt nhưng cùng với thời gian và sự tàn phá của bom đạn trong thời kỳ chiến tranh, nhiều nhà cổ bị hư hỏng hoàn toàn, đến nay chỉ còn lại vài ba ngôi nhà có giá trị như nhà cổ Tích Thiện Đường, nhà cổ của ông Đỗ Hữu Thanh (cùng thôn Thái Lai), nhà cổ của ông Lê Phố (thôn Phước Thái), nhà cổ của bà Đặng Thị Túy Phong (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong).
 
Song, vì lý do kinh phí nên hầu hết nhà cổ không được phục hồi, trùng tu giữ nguyên trạng mà chủ yếu được sửa chữa chắp vá, hư đâu sửa đó, dẫn đến dần thay đổi các kiến trúc vốn có của nhà cổ. Ngày nay, nhà cổ ở Hòa Vang chủ yếu sử dụng để ở hoặc làm nơi thờ tự ông bà tổ tiên.
 
Đình làng, di tích nằm im ắng
 
Những năm gần đây, khi đình làng được trùng tu, tôn tạo thì lễ hội đình làng được các địa phương đầu tư tổ chức quy mô hơn. Bên cạnh phần lễ tưởng nhớ tổ tiên là phần hội vui tươi, sinh động thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo. Tuy nhiên, ngoài những ngày lễ hội thì cả năm, các đình làng, di tích nằm im ắng, trơ trọi, rất ít khi có người thăm viếng.
 
Hôm chúng tôi đến đình làng Thạc Gián, ông Nguyễn Ngọc Mạnh, người trông coi đình làng, mới vội vàng mở khóa và phân trần rằng, cửa đình luôn đóng im ỉm vì chẳng mấy khi khách đến thăm nên phải khóa cửa. Ông Mạnh kể rằng, nhà ông đã mấy đời trông coi đình làng vì tổ tiên cũng thờ tự ở đây. Hằng ngày, ông ra đình thắp nhang các vị tiền hiền cho đình làng đỡ hiu quạnh, tưới nước cho cây xanh trong khuôn viên đình… Ông Mạnh cười buồn: “Phải chi có khách tham quan thì hay biết mấy, vừa phát huy giá trị di tích, vừa kiếm đồng ra đồng vào. Để chẳng may cái bóng điện bị hư, cái tường bong tróc cũng có cái trang trải, khỏi phải trình xin chính quyền”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, vấn đề phát huy giá trị di tích đình làng gắn liền với du lịch được ông nêu tại các cuộc họp của ngành văn hóa đã nhiều năm nhưng xem ra “hơi khó” giải quyết. Vì cái khó đó mà ngày này qua tháng nọ, người ta cứ tiếc nuối nhiều di tích mang tầm quốc gia nằm đó “chơ vơ” cùng thời gian.
 
Tình trạng nhà cổ cũng không ngoại lệ. Trong số các nhà cổ, ngôi nhà Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh “may mắn” nhất khi được sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nhưng đây cũng chưa phải là một sản phẩm du lịch nên khách đến tham quan không tốn khoản phí nào và tất nhiên chủ nhà có thời gian thì tiếp, nếu không thì khách tự đến rồi tự đi…
 
“Tôi ấp ủ nhiều dự định, ý tưởng với mong muốn giới thiệu giá trị nhà cổ cho du khách nhưng để thực hiện phải có cơ sở hạ tầng liên quan như bến thuyền, cầu tàu đưa đón khách. Mặt khác, cũng cần có sự kết nối của các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các công ty lữ hành để bảo đảm quyền lợi của hai bên, có như vậy mới phát triển lâu dài được”, ông Đỗ Hữu Minh chia sẻ.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.