Ngày 31-7, Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, trong tháng 8 sẽ có 10 vở kịch chất lượng cao sẽ được đưa ra biểu diễn tại Nhà hát, trong đó có 2 vở của Đoàn Kịch nói CAND: “Bão của hoàng hôn” và “Quyết đấu giữa sương mù”.
Với sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Nguyễn Đăng Hòa, Nguyễn Hoài Nam, Vũ Thị Kim Thoa…, vở “Bão của hoàng hôn” dàn dựng theo kịch bản của tác giả Vũ Thị Thu Phong, do NSND Lê Hùng đạo diễn.
|
Cảnh trong vở "Bão của hoàng hôn" |
Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện cuộc đời của Thiếu tướng tình báo CAND Trịnh Thắng. Vì nhiệm vụ công tác, ông phải xa quê hương. Lúc cuối đời, đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân và lực lượng công an, ông mới được nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình và an dưỡng tuổi già. Nhưng, mong ước của ông đã không thành hiện thực khi một số kẻ có chức, có quyền ngang nhiên cấu kết tham nhũng, tự ý bán đất của dân để trục lợi.
Điều đau lòng là kẻ cầm đầu lại chính là con trai ông. Sau nhiều ngày đấu tranh với chính bản thân mình, với phẩm cách vốn có của người chiến sĩ CAND, ông đã chọn cách phối hợp với đồng đội của mình để đưa vụ việc ra ánh sáng, giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân…
|
Ban tổ chức trao đổi với báo chí về các vở kịch còn mãi với thời gian ngày 31-7 |
Vở “Quyết đấu giữa sương mù” cũng do NSND Lê Hùng đạo diễn. Dựa theo kịch bản của: Nhà văn Chu Lai, vở diễn là tác phẩm ngợi ca chiến công của lực lượng CAND trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm nhũng. Ở đó, đối tượng mà cán bộ, chiến sĩ CAND cần đấu tranh là chính những người thân, là những người đồng đội mà họ đã từng gắn bó từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hải, Phó trưởng Đoàn kịch nói CAND gọi đây là cuộc chiến đấu của những người cùng chiến tuyến, rất khó khăn, thậm chí là khốc liệt.
|
Cảnh trong vở "Quyết đấu giữa sương mù" |
Cũng theo nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hải, cả hai vở diễn nói trên đều được Đoàn Kịch nói CAND đầu tư dàn dựng công phú, từng được khán giả yêu mến và khẳng định về chất lượng qua nhiều giải thưởng. Lâu nay, các nghệ sĩ của đoàn chủ yếu phục vụ cán bộ, chiến sĩ CAND và đồng bào vùng sâu vùng xa.\
Việc đưa tác phẩm chất lượng cao của đoàn ra diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là cơ hội để các nghệ sĩ mang sắc phục tiếp cận với khán giả thủ đô, đồng thời giới thiệu rộng rãi hơn đến nhiều tầng lớp khán giả những thành tựu nghệ thuật mà nghệ sĩ sân khấu kịch nói CAND đã nỗ lực đạt được thời gian qua.
Việc đưa 2 vở diễn của Đoàn Kịch nói CAND nói trên ra Nhà hát Lớn nằm trong chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xây dựng Nhà hát thành điểm đến thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao, đặc biệt là quảng bá nghệ thuật sân khấu đến công chúng.
Diễn ra từ 5-8 đến 20-8 với chủ đề “Những vở kịch còn mãi thời gian”, trong đợt hoạt động này, có 10 vở diễn chất lượng cao được biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài 2 vở của Đoàn Kịch nói CAND còn có 8 vở diễn khác; trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ có 3 vở: “Vòng phấn Kavkaz” (tác giả:Bertol Brech, dịch giả: Lê Quang, đạo diễn: Dominik Gunther), “Ai là thủ phạm” (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung), “Công lý không gục ngã” (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang).
|
Cảnh trong vở "Lão hà tiện" |
Nhà hát Kịch Hà Nội có 3 vở: “Cát bụi” (tác giả: nhà văn Triệu Huấn, đạo diễn: NSND Xuân Huyền), “Điện thoại di động” (tác giả: Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSND Hoàng Dũng), “Bỉ vỏ” (tác giả: Nguyễn Đăng Thanh, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang). Nhà hát Kịch Việt Nam có 2 vở: “Kiều” ( nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản theo nội dung “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn: NSND Anh Tú), “Lão hà tiện” (tác giả: Mô-li-e, đạo diễn: NSND Tuấn Hải). Nhà hát Kịch nói Quân đội có vở “Dưới cát là nước” (tác giả: nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSND Lê Hùng).
Theo N.Hoa/Công an nhân dân
.