Khởi nguồn từ câu chuyện bức tượng Bụt huyền bí

Đến hẹn lại lên, những ngày này, người người lại nô nức ngược đường, ngược núi về với huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) để dự tuần lễ văn hóa - thể thao - du lịch và được đắm mình trong Hội rằm tháng ba truyền thống.

Nói về nguồn gốc hội rằm này thì đến bây giờ không ai biết chính xác có từ khi nào và vì sao lại có ý nghĩa quan trọng đối với người dân nơi đến vậy. Chỉ biết rằng đây là giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc của người vùng cao, nơi nhiều người nguồn và các dân tộc anh em ít người sinh sống, quần tụ.

Chuyện xưa kể lại rằng, nhà nọ có 2 anh em lên lèn Ông Ngoi ở phía bắc TT Quy Đạt, huyện Minh Hóa để lấy mật ong. Lên đến đỉnh lèn, họ gặp một giếng nước trong vắt, cạnh giếng có một cây quýt trĩu quả. Dưới tán cây có 12 tượng đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng như bàn cờ tướng và những quân cờ cũng bằng đá. Tại đây, 2 anh em nghỉ ngơi, ngắm nhìn những tượng đá.

Hồi sau, người anh dùng dây rừng buộc một tượng đá rồi xuống thác Cúi, đặt tượng đá xuống một tảng đá để tắm rửa. Tắm xong, người anh đến nhấc tượng đá lên để mang về thì không sao nhấc nổi…

Người anh bực tức nên dùng rựa chém sứt môi tượng đá. Một điều trùng hợp là từ đó về sau, những người trong dòng tộc của họ sinh ra đều có 1 người bị khiếm khuyết về môi.

Đặc biệt, từ khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng bị chim thú về phá hoại, gia súc gia cầm của người dân nuôi cũng bị thú dữ bắt đi. Dân làng bèn lập đàn khấn vái tự nhiên có người ứng xưng là Bụt ở thác Cúi và đòi lập đàn thờ.

Dân làng nghe thế liền làm theo. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần biến mất. Từ đó, câu chuyện lan truyền, gây sự chú ý khiến nhiều người đến khấn vái Bụt. Dần dà người dân quen gọi là Thác Bụt như tên gọi ngày nay.

leftcenterrightdel
Chính quyền, nhân dân Minh Hóa cùng du khách thập phương tới dâng hương tại Thác Bụt. 

Cũng từ đó, hằng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mưa thuận gió hòa, cầu tài lộc, sức khỏe và dự hội chợ rằm.

"Cứ đến lễ Hội rằm tháng ba, người dân trong huyện và du khách thập phương lại đến Thác Bụt cúng Bụt để cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới". Ông Đinh Xuân Đình- Chủ tịch Hội di sản văn hóa huyện Minh Hóa cho hay.

Ngược núi trẩy hội rằm có 1 không 2

Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm nay diễn ra từ ngày 21 đến 26/4 (tức từ ngày 10 đến 15/3 âm lịch). Năm nay, Hội rằm tháng ba được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc.

Trong tiềm thức của người dân Minh Hóa và các vùng miền lân cận thì Hội rằm tháng ba từ xưa tới nay vẫn đặc biệt nhất ở những phiên "chợ tình", nơi các nam thanh nữ tú hò hẹn trao duyên chồng vợ.

leftcenterrightdel
 Lung linh đêm hội Ân tình Minh Hóa quê tôi

Từ xa xưa, mỗi độ cuối mùa xuân nam nữ các vùng biên viễn lại dập dìu đổ về TT. Quy Đạt để mua sắm, trao nụ cười lúng liếng, câu bông đùa, điệu hát rồi cũng từ đó nhiều cặp đôi đã kết nên duyên chồng vợ sống trọn đời bên nhau.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, đất nước Hội rằm tháng ba cũng dần có nhiều sự thay đổi theo hơi hướng hiện đại với nhiều trò chơi, môn thể thao sôi động hấp dẫn du khách tới tham dự.

Theo đó, Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hội rằm tháng Ba Minh Hóa 2021 có các chuỗi hoạt động mới lạ, hấp dẫn.

Lễ dâng hương tại Thác Bụt và Hội rằm tháng ba truyền thống tại chợ Quy Đạt. Các hoạt động thể thao, như: giải vô địch bóng chuyền; giải vô địch bóng đá nam toàn huyện; giải thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, ném xoang, cà kheo, thả diều, vật dân tộc…). 

leftcenterrightdel
 Ẩm thực Minh Hóa là 1 trong những điều hấp dẫn du khách tại Hội rằm tháng ba

Tại lễ hội, một điều luôn thu hút sự hấp dẫn của thực khách là các hoạt động trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch với khoảng 20 gian hàng của các xã, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Đặc biệt, năm nay, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) còn long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di sản phi vật thể quốc gia "Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá" và bằng công nhận di tích lịch sử căn cứ kháng chiến vua Hàm Nghi tại Minh Hóa.

Nguyễn Cường