Đây là sự kế thừa và khẳng định sự thành công của các kỳ Festival trước đây; nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
 Pano quảng bá hình ảnh Festival Huế 2018

Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế lần thứ X năm 2018 cho biết, Thừa Thiên Huế đã có 5 Di sản thế giới được UNESCO công nhận gồm: Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2010), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016). Huế còn có hai Di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế và Dệt Zèng (A Lưới). Gần nhất, Huế cùng với 9 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 Di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO công nhận vào tháng 12/2017 là nghệ thuật Bài Chòi. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng của xứ Huế để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế.

Theo Ông Huỳnh Tiến Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế, Festival Huế 2018 sẽ diễn ra các lễ hội cung đình được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng, như: lễ Tế Giao, lễ lế Xã Tắc, lễ hội đền Huyền Trân, lễ hội Điện Hòn Chén, tái hiện lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế…

Festival Huế 2018 tiếp tục tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây. Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của Festival Huế với các sân khấu ngoài trời và trong nhà, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các sân khấu ở Cung An Định, quảng trường Ngọ Môn, bia Quốc học, các sân khấu cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế và một số huyện, thị xã sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival. Ngoài ra, chương trình nghệ thuật “Văn hiến kinh kỳ” được được dàn dựng công phu, hoành tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 5 Di sản Văn hóa thế giới cũng sẽ là điểm nhấn của mùa lễ hội Festival.

Ban tổ chức Festival Huế 2018 cũng cho biết, tham gia Festival Huế 2018  có mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Israel, Mông Cổ, Thái Lan, Phillipines, Anh, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Peru, Chile, Australia, Ma rốc… hứa hẹn sẽ mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa. Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật biểu diễn đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng với các nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

Trọng Bình