Việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long đòi hỏi phải có hướng đi đúng, có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững nhằm phát huy giá trị di sản dân tộc.

 


GS. William Logan bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam tiến hành khai quật bên trong khu vực được công nhận di sản thế giới nhiều hơn bên ngoài, những khai quật này đã làm thay đổi tương quan giữa di tích dưới lòng đất với những công trình trên mặt đất, khiến cho các giá trị khảo cổ học nổi trội hơn. Ngoài ra, các kiến trúc trên mặt đất, đặc biệt là tòa nhà thời kỳ Thực dân Pháp và một số công trình quân sự Việt Nam thời hiện đại thực tế đã bị dỡ bỏ kể từ khi di sản được UNESCO công nhận, trong khi đây chính là một tầng văn hóa, một đặc điểm làm nên giá trị nổi bật toàn cầu mà Ủy ban Di sản Thế giới đã công nhận.

Cũng theo GS. William Logan, việc dỡ bỏ các tòa nhà thời Pháp để nhường chỗ cho việc phục dựng không gian điện Kính Thiên dự kiến tiến hành vào năm 2020 của những người làm quy hoạch sẽ bỏ qua sự phát triển, biến đổi của Hoàng Thành suốt hơn 1.300 năm qua, làm mất đi tầng văn hóa Pháp. Điều này sẽ dẫn đến việc không bảo vệ hiệu quả giá trị nổi bật toàn cầu, khiến cho khu di sản có nguy cơ vào danh sách nguy hiểm, hoặc thậm chí bị tước danh hiệu.

GS. Phan Huy Lê bày tỏ quan điểm: “Các kiến trúc Pháp cũng nằm trong đối tượng được bảo tồn. Dĩ nhiên, kiến trúc Pháp rất nhiều, trong đó có cả những kiến trúc không có giá trị. Về phía Việt Nam sẽ nghiên cứu và có kế hoạch để tháo dỡ. Những kiến trúc có giá trị, nằm trong hồ sơ bảo tồn thì vẫn cần được bảo tồn”.

Việc bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long là công việc đòi hỏi phải có hướng đi đúng, có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững nhằm phát huy giá trị di sản của dân tộc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội: Những di sản văn hóa vô giá dưới lòng đất của Di tích Hoàng thành Thăng Long như một lực hấp dẫn đối với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội và càng nghiên cứu, càng nhận thức sâu sắc hơn giá trị khu di tích. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích là rất cần thiết.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/8/2015, Bộ Xây dựng đã ra quyết định số 975/QĐ-BXD chính thức phê duyệt quy hoạch Di tích Hoàng thành Thăng Long. Quy hoạch này sẽ là cơ sở để tu bổ, tôn tạo vùng lõi của di sản hướng tới mục tiêu chính là xây dựng di sản thành công viên văn hóa du lịch. Cụ thể là bảo tồn tại chỗ, toàn vẹn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Khu vực Thành Cổ từ Cột Cờ đến Cửa Bắc tạo ra sự liên kết, liên thông giữa các không gian này. Quy hoạch này sẽ tạo ra điểm du lịch sáng giá của Thủ đô./.
 

Theo VOV

.