(BVPL) - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhằm tăng cường tính ổn định và hiệu quả chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội, trụ cột an sinh xã hội quan trọng của Nhà nước.

Theo đó, với vai trò là cơ quan chủ trì, vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có buổi làm việc về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để đưa ra các phương hướng triển khai, kế hoạch tổ chức, giải pháp thực hiện, đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế, qua đó xây dựng đề cương chi tiết Đề án để trình Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII thảo luận, thông qua trong năm 2018.

Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ước  tính đến hết tháng 6/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,7 triệu người, BHXH tự nguyện 241 nghìn người và Bảo hiểm y tế (BHYT) là 76,44 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82,19% dân số; toàn Ngành ước chi BHXH, BHYT là 123.652 tỷ đồng (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: chi BHXH 60.826 tỷ đồng, chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 2.901 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT 38.612 tỷ đồng.  

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT tại một số địa phương còn khá phổ biến; nhiều nội dung hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan quản lý nhà nước còn chưa phù hợp với tình hình tổ chức thực hiện thực tế; công tác phối hợp giữa BHXH Việt Nam và thanh tra một số Bộ, ngành còn chưa thường xuyên; hệ thống thông tin giám định BHYT còn chưa đồng bộ…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng nhau phân tích những khó khăn, vướng mắc cũng như thảo luận nhằm đưa ra giải pháp triển khai thực hiện mở rộng mạng lưới bao phủ đối tượng tham gia BHXH, chính sách đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam, cân đối, quản lý hệ thống Quỹ BHXH, BHTN, bảo hiểm thai sản, ốm đau, tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, liên kết chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu…Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao các giải pháp, phân tích của các đại biểu với mục tiêu thực hiện tốt nhất Đề án cải cách chính sách BHXH nhằm cải cách, nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội tiến tới công bằng, bền vững đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước..

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, BHXH Việt Nam phối hợp với Vụ Bảo hiểm xã hội, Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá đầy đủ tình hình công tác thực hiện chính sách BHXH từ năm 1995 đến năm 2017, định hướng đến năm 2030; Tổ chức nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm thực hiện chính sách BHXH tại các nước trong khu vực và các nước tiên tiến cũng như xu hướng cải cách tại các quốc gia này; Làm việc, khảo sát thực tế với các tổ chức quốc tế; Hệ thống hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH; Định hướng giải pháp lớn tiến tới đạt mục tiêu chung trong thời gian tới như “giữ chân” đối tượng tham gia, mở rộng đối tượng, quản lý, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, xử lý nghiêm tình trạng nợ đọng và trốn đóng BHXH; Lộ trình tổ chức thực hiện cụ thể từ nay đến năm 2030. Vụ BHXH phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện Đề án và hoàn thiện Đề cương Đề án trong tháng 9/2017.
 

Mai Hòa

.