Dự án giảm nghèo do tổ chức An sinh - Giáo dục - Văn hóa - Nghệ thuật Hàn Quốc tài trợ tại thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp, Đức Trọng có nguy cơ đổ vỡ vì đối diện với những khó khăn trong thực tế.
 


Mô hình mới
 
Phải nói rằng, đây là một dự án tài trợ với một ý định rất tốt đẹp. Tổ chức An sinh - Giáo dục - Văn hóa - Nghệ thuật Hàn Quốc (Hiệp hội) muốn tạo ra một mô hình mới với một cách làm mới, một hình mẫu có thể tham khảo cho các cộng đồng dân cư vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu giảm nghèo bền vững bằng cách cùng chung tay làm ăn với nhau. Hiệp hội sẽ cung cấp những cơ sở vật chất cần thiết ban đầu cho các hộ này xuất phát, như một hợp tác xã kiểu mới. Địa điểm được chọn là một ngọn đồi thấp có thế đất thoai thoải tuyệt đẹp, gần kề suối tại thôn Gần Reo - một thôn nghèo với đông đảo cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Cill, K’Ho sinh sống ở xã Liên Hiệp, Đức Trọng.
 
Tại đây, tổ chức An sinh - Giáo dục - Văn hóa - Nghệ thuật Hàn Quốc đã đầu tư một khu nông trại rộng khoảng 3ha với một nhà kính khung sắt rộng 2.800m3 có hệ thống tưới nước tự động có thể trồng rau, hoa; một khu vực chuồng trại nuôi bò và bãi đất trồng cỏ cho bò; khoan các giếng nước và làm hồ tích nước đưa nước từ suối gần đó lên tưới cho nhà kính và khu vực đất quanh nông trại, cung cấp giống bò, xây tường rào lưới sắt, một nhà điều hành... Tổng kinh phí để xây dựng khu trang trại khoảng 3 tỷ đồng.
 
Theo thỏa thuận giữa tổ chức này với UBND huyện Đức Trọng, địa phương sẽ mời 8 hộ nghèo tại thôn Gần Reo để tham gia dự án, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ ban đầu một số bò giống cho khu nông trại, khi sinh sản bò con sẽ được chia theo tỷ lệ 50 : 50, một nửa số bò con thuộc về các hộ tham gia dự án, nửa còn lại được nông trại và Hiệp hội quản lý để tăng vốn sản xuất. Với nhà kính và đất sản xuất, khi thu hoạch nông vụ, trừ tất cả các chi phí trong quá trình canh tác, phần lợi nhuận còn lại của nông sản các hộ sẽ được hưởng 50%, nửa còn lại cũng được Hiệp hội đưa vào vốn chung để phát triển dự án. Trong thời gian 2 - 3 tháng đầu khi tham gia chương trình, do chưa làm ra sản phẩm, chưa thu hoạch được gì nên Hiệp hội sẽ hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án, mỗi hộ 3 triệu đồng/tháng, khi có thu nhập Hiệp hội sẽ không hỗ trợ nữa.
 
Những khó khăn trong thực tế
 
Căn cứ thỏa thuận hợp tác này, sau khi Hiệp hội hoàn tất việc xây dựng cơ bản trong tháng 12/2014, UBND huyện Đức Trọng đã giao cho xã Liên Hiệp chọn 8 hộ nghèo tại thôn Gần Reo tham gia dự án. Hiệp hội đã cung cấp một số giống cây trồng mới nhập khẩu từ Hàn Quốc để trồng tại khu nông trại này như rau, củ cải Hàn Quốc. Những hộ dân được chọn ban đầu cũng rất hăng hái, và như ngành chức năng huyện Đức Trọng nhận xét, Khu nông trại đưa vào hoạt động là một minh chứng quan trọng cho việc cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân địa phương tiếp cận được với các giống cây trồng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho một số hộ dân nơi đây khi tham gia dự án, học hỏi được những cách làm mới.
 
Tuy nhiên, giữa mong muốn và hiện thực luôn là một khoảng cách lớn. Thực tế như ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp, người được phân công phụ trách trực tiếp dự án tại hiện trường phía Việt Nam cho biết có rất nhiều khó khăn khiến dự án không mang lại hiệu quả như mong muốn.
 
Theo thỏa thuận khi dự án bàn giao cho các hộ dân quản lý thì Hiệp hội không còn đầu tư vào đây nữa, tuy nhiên khi bắt đầu sản xuất ngay mùa nắng do nằm trên đồi nên hệ thống giếng không cung cấp đủ nước tưới nên những hộ dân phải cùng nhau đầu tư máy bơm đưa nước từ suối lên để tưới và chi phí cho việc này khá lớn, khoảng 60 triệu đồng. Đại diện Hiệp hội khi đến thăm đã cho rằng, đây là kinh phí thuộc đầu tư cơ bản nên Hiệp hội sẽ hoàn trả lại cho dân, nhưng đến nay, người dân tham gia dự án vẫn chưa nhận lại được số tiền này.
 
Trong mùa vụ đầu tiên khoảng 3 tháng, từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2015, khu nông trại bắt đầu cho thu hoạch lứa rau, củ đầu tiên được 93 triệu đồng, tuy nhiên so với chi phí ban đầu bỏ ra khá lớn nên thu nhập này nếu chia đều cho 8 hộ thì mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 1,3 triệu đồng.
 
Lợi tức từ vườn không lớn cộng với việc không thống nhất nhau về cách làm việc, cách điều hành chung, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” nên các hộ dân tham gia dự án dần bỏ cuộc, từ chối không tiếp tục tham gia.
 
Về giống bò, theo thỏa thuận ban đầu, Hiệp hội sẽ cung cấp 16 con nhưng sau đó chỉ hỗ trợ được 10 con, và hầu hết 10 con bò giống này như UBND xã Liên Hiệp cho biết là bò cỏ, già, ốm, nên việc chăm sóc rất nhiều khó khăn. Đã có 2 con bị chết, hiện chỉ còn 8 con nhưng khả năng sinh đẻ rất thấp. UBND xã Liên Hiệp đã đề nghị Hiệp hội đổi giống bò khác, nhưng đến nay, vẫn chưa được sự đồng ý từ Hiệp hội. Do đàn bò chỉ có 8 con nên không thể sử dụng hết diện tích 1,1ha cỏ trồng. Theo ông Dũng, hiệu quả từ đàn bò mang lại sau gần 1 năm chăn nuôi là rất thấp.
 
Không thể để khu nông trại vắng người chăm sóc, UBND xã Liên Hiệp hiện nay đã phải hợp đồng một người để trông nom, canh tác. Khi chúng tôi đến đây, khu nông trại phía ngoài nhà kính đang được trồng cà tím, còn bên trong khu nhà kính mênh mông này được trồng sú. Điều đáng tiếc nhất là khu nhà kính này đang có dấu hiệu xuống cấp vì bảo quản không tốt.
 
Với tình hình hiện nay, UBND xã Liên Hiệp đang kiến nghị tỉnh và Hiệp hội nên kiểm tra tình hình thực tế của Khu nông trại, tìm giải pháp cho những khó khăn vướng mắc hiện nay và nếu cần nên có những điều chỉnh cần thiết theo thực tế, tránh để một dự án tiền tỷ sử dụng không hiệu quả dẫn đến nguy cơ đổ vỡ.

 

Theo Báo Lâm Đồng

.