Văn và Vẻ là hai cậu con trai con ông Giáo. Bà Giáo mất sớm, một mình ông Giáo thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương làm lụng nuôi con và dạy con đến nơi đến chốn, chỉ mong cho con mình bằng chúng bằng bạn. Vốn dòng nhà Nho, ông Giáo không bao giờ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay hoặc quát mắng con, ngược lại ông thích dùng ngôn ngữ dân gian từ tốn chỉ bảo, làm cho hai con ông khi chưa đến tuổi đi học thì đã quen với hàng trăm câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ.

 

 

Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính, cậu Văn chăm học bao nhiêu, thì Vẻ lười biếng bấy nhiêu. Điều làm ông Giáo buồn nhất là Vẻ hay dùng tục ngữ, thành ngữ nhưng không bao giờ dùng đúng ý nghĩa như ông dạy bảo.
 

Một buổi sáng, Vẻ thức dậy mắt nhắm mắt mở rửa qua loa cái mặt rồi tính chuyện cắp sách đến lớp. Ông Giáo nhìn mặt con lem luốc, nói:

 - Con rửa mặt gì mà nhanh như chuồn chuồn thấp nước. Soi gương mà xem, có phải cái mũi của con còn khô nguyên, nghĩa là bàn tay con chưa chạm tới.

Vẻ vừa chạy ra cổng, vừa trả lời:

- Vuốt mặt phải biết nể mũi chứ bố!

Ông Giáo ngán ngẩm lắc đầu. Lại một lần khác, khi dọn cơm ăn, anh Văn sai nó lấy đũa, nó cứ  thủng thẳng nhặt từng chiếc một làm anh Văn sốt ruột  hỏi nó:

  - Sao em không lấy một lần cho nhanh ?

Nó trả lời như đã chuẩn bị sẵn:

- Bố dạy không vơ đũa cả nắm!

Khi ăn xong tới phiên nó rửa bát thì rổ bát vang tiếng lạo xạo như xóc ốc, ông Giáo lo bát vỡ, bảo nó nhẹ tay thì nó bảo: “Bát đĩa cũng có lúc va nhau” làm ông ngao ngán thêm, tiếc những lời ông dạy đối với nó như nước đổ đầu vịt.

Người ta bảo trẻ con khắc lớn khắc khôn, nhưng thằng Vẻ chứng nào tật ấy, khi lớn lên cái hư càng lớn, trong khi anh Văn đã trở thành thầy giáo có tiền nuôi bố, thì Vẻ chỉ là kẻ ăn theo, nói leo không hơn không kém.

Sau khi đã theo học nhiều nghề, mà nghề nào cũng bỏ dở giữa chừng, nó bèn  bảo bố xin cho học lớp lái xe. Ông Giáo dù khá tốn kém lo cho con, hết  học nghề, lại lo tìm  nơi cho con làm việc, nhưng ông vẫn vui, vì thấy hình như nghề lái xe hợp với tính con ông. Hơn nữa ông muốn nó được đi nhiều nơi để học được nhiều bài học ở trường đời. Thế nhưng mọi hy vọng của ông tiêu tan khi con ông mới theo nghề được mấy tháng thì đã có mấy kẻ theo địa chỉ tìm đến nhà ông đòi tiền vì Vẻ thua liền mấy cuộc cá cược trong bóng đá, cũng như ghi sổ nợ ở hàng ăn dọc đường. Ông Giáo miệng ngậm bồ hòn làm ngọt, vội bán đi quá nửa đất hương hoả trả nợ cho con, trong khi nó không hề bén mảng về nhà, vi vu đây đó để “tích luỹ” thêm những món nợ mới. Đợi khi thằng Vẻ về, ông Giáo hỏi nó:

- Người ta đi một ngày đàng, học một sàng khôn, sao mày đi hơn nửa năm trời, bao nhiêu ngày đàng mà dại thế hở con ?

Lúc đó Vẻ đang thay áo, miệng huýt sáo bài “Tình yêu không bao giờ cũ” chưa trả lời bố, thì anh Văn lắc đầu nói:

- Em Vẻ nhà ta cũng học được nhiều sàng khôn đấy bố ạ, chỉ khác là người ta học được những cái khôn to nên giữ được, còn em Vẻ học toàn khôn lỏi nên bị lọt sàng hết mà thôi!

Vẻ ngừng huýt sáo nói trống không:

- Lọt sàng xuống nia chứ đi đâu mà mất!

 Ông Giáo thở dài ngao ngán nghĩ thầm: Thật là đau cho những câu thành ngữ rơi vào miệng nó!
 

Đồ Nghệ

.