Đất nước nhìn từ Trường Sa
Cập nhật lúc 16:54, Thứ tư, 21/05/2014 (GMT+7)
Tôi đã mở đầu mạch cảm xúc của mình bằng hai đại từ thiêng liêng đó khi hướng ống kính máy ảnh vào khoảnh khắc cuộc tiễn đưa các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.
Đất nước!
Là một đêm chia thư của những người lính đảo Phan Vinh. Cả chiều đón tàu từ bờ ra đảo, ai cũng biết kèm theo gạo, mắm, rau trái là những lá thư từ hậu phương gửi ra cho những người lính đảo. Biết vậy nên vừa bốc hàng lên đảo, vừa háo hức, nóng lòng chờ đến đêm cả đảo quây quần bên cột mốc chủ quyền dõi nghe đảo phó chính trị đọc tên từng người lên nhận thư. Thư riêng có tên người nhận sẽ giao đúng tên, đúng người. Đó là những người may mắn như trúng số, còn những ai không có thư riêng thì niềm vui dĩ nhiên có giảm chút xíu khi được đọc tên lên nhận những lá thư hậu phương gửi chung cho người ở đảo. Từng một thời đói cơm, đói cả thư nhà ... trong chiến tranh trước đây đã giúp tôi cảm nhận đầy đủ và thấm thía về sự hoan hỉ, hồn nhiên của những người lính đảo qua câu chuyện được ghi lại bằng hình ảnh về một đêm chia thư giữa trùng khơi.
Đất nước!
Là một khoảnh khắc nhìn gương mặt cương nghị của người lính trẻ nổi trên nền lá cờ Tổ quốc đã sờn bạc, ngạo nghễ ở điểm đảo Tóc Tan. Bất chợt nhớ lại trận chiến đấu trên cao điểm 544 ở tây bắc đường số 9 Quảng Trị vào tháng 6-1971. Tôi cùng 3 chiến sĩ đối mặt với 2 đại đội bộ binh ngụy. Suốt một ngày phơi lưng cho hàng chục đợt ném bom của không quân Mỹ cùng hàng trăm trái pháo cấp tập hủy diệt trận địa, chúng tôi đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của địch đông gấp hàng trăm lần. Cuộc chiến không cân sức làm cả 4 chúng tôi bị thương nặng, cơ số đạn cũng chỉ còn cầm chừng. Trong tình thế ngặt nghèo, tôi đã lấy tấm ảnh Bác Hồ trong cuốn sổ tay và chấm máu viết vào lưng ảnh lời thề quyết tử rồi đưa cho lần lượt từng người hôn ảnh Bác, thề giữ chốt đến cùng. Khi hôn di ảnh Bác Hồ, chúng tôi như được tựa vào hồn đất nước mà chấp nhận hy sinh. Bây giờ nhìn gương mặt người lính trẻ trên nền lá quốc kỳ giữa biển Đông, tôi mới chợt nhận ra rằng ngày đó, thế hệ chúng tôi chiến đấu tuy ác liệt, gian nan, song dẫu gì thì ở phía sau vẫn còn có đất để tựa vào mà chiến đấu. Còn bây giờ, người lính Trường Sa giữa biển khơi, trước mặt, sau lưng chỉ là mênh mông sóng biển. Cái duy nhất để người lính tựa vào mà chiến đấu chính là dáng hình Đất Nước hiện hữu trên nền cờ Tổ quốc thiêng liêng.
Đất nước!
Đó cũng là câu chuyện tôi muốn kể về những cánh chim bồ câu hiền lành chao về tổ ấm trên đảo Sinh Tồn Đông chở theo "Khát vọng Trường Sa". Từng ở trong trận mạc đi ra, tôi hiểu không một ai tự lựa chọn chiến tranh, mà chính chiến tranh lựa chọn chúng tôi. Thế hệ đồng đội kế tục chúng tôi bây giờ ở Trường Sa cũng vậy. Chính Trường Sa lựa chọn họ để cầm súng chiến đấu vì khát vọng hòa bình...
Đất nước!
Là câu chuyện tôi chép lại trên doi cát uốn theo hình chữ S ở đảo Len Đao. Lạ thường vì cũng một dáng hình chữ S đó thôi, nhưng doi cát cứ quanh năm vần xoay quanh đảo. Mùa tháng tư, tháng năm, cát tụ theo hình chữ S ở phía Đông Bắc. Mùa giông gió cuối năm, hình hài Tổ quốc lại phát lộ hướng Tây Nam. Một nhóm chiến sĩ đang đi tuần biển ở khúc eo thắt giữa hình hài đất nước như gợi nhớ khúc hành phương Nam hùng tráng một thuở mang gươm đi giữ nước. Gương mặt những người lính kiên hùng trên nền cờ Tổ quốc bay ngạo nghễ đã trở thành điểm tựa hiện hữu giữa mênh mông bốn bề biển cả, nơi tuyến biển đảo chắn sóng uốn mình theo chiều Đất Nước.
Tùy bút: Lê Bá Dương
Theo CA Đà Nẵng