Ảnh chế đang là trào lưu trên mạng, và việc Nguyễn Thị Chầm Linh tự tử vì một bức ảnh ghép nhạy cảm đang khiến không ít cư dân online giật mình.
Cẩn thận với trò đùa ảnh chế
Sự việc đau lòng vừa xảy ra với gia đình nữ sinh Chầm Linh. Em sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Thạch Thất, Hà Nội). Vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên mạng làm trò đùa, Linh đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vào rạng sáng ngày 27/6 vừa qua.
Trước đó đã có những trường hợp nữ sinh tự tử vì bị điểm thấp, mắng oan, làm mất tiền quỹ lớp… Những lý do tưởng chừng nhỏ nhặt này đã gây ra hậu quả khôn lường khiến nhiều người lớn phải giật mình.
Trong câu chuyện này, Linh tự tử vì lý do mình bị chế ảnh đưa lên mạng xã hội. Ảnh chế thường được dân mạng ưa chuộng, sử dụng mang tính chất giải trí. Nhưng trong nhiều trường hợp người chế ảnh đã quá tay đối với người trong ảnh mà không biết họ phản ứng ra sao.
|
Cư dân mạng bày tỏ quan điểm về sự việc nữ sinh tự tử vì ảnh chế. |
Vụ việc thương tâm này khiến cho nhiều người sử dụng mạng xã hội tỉnh ngộ. Thành viên Vũ Việt Quang chia sẻ: "Mình thấy ảnh chế xuất hiện tràn lan, nhiều bức ảnh chế cũng vui thật nhưng không thể để các bạn đưa người thân của mình ra làm trò cười được".
Bạn Quang PV cho rằng: "Vì ảnh chế mà mất đi một con người là cái giá quá đắt phải trả. Mong rằng đây sẽ là bài học để dân mạng tẩy chay những trò đùa ác ý trên mạng".
Xung quanh câu chuyện đau lòng về nữ sinh này, có người cho rằng em thật đáng thương khi ra đi khi tuổi còn quá trẻ. Người lại nhận định em là người thiếu bản lĩnh trước khó khăn nên cũng có phần đáng trách. Nhưng vấn đề được dư luận quan tâm hơn cả là câu hỏi: Phải chăng các em thiếu kỹ năng sống khi gặp chuyện khó xử?
Thành viên wallflowergirl chỉ ra tâm lý của tuổi mới lớn: "Có thể nhiều người nghĩ rằng Linh khờ khạo, chỉ vì một bức ảnh mà tự tử. Sự việc không đáng để tự tử thật nhưng đây chỉ là giọt nước làm tràn ly. Vì các bạn chưa trải qua nên không biết lời người đáng sợ như thế nào. Ngày ngày đến lớp rồi hứng chịu những ánh mắt coi khinh của những người xung quanh nên uất ức cứ dần tích tụ lại, đến khi không thể chịu nổi được nữa thì sẽ có những hành động như vậy".
Thành viên Hà Loan chỉ ra một thực tế: "Đây là lời cảnh tỉnh để chúng ta thấy rằng cần quan tâm hơn tới lứa tuổi vị thành niên đầy dại dột. Tôi nhớ khi tôi ở độ tuổi này thì đã có một số người bạn và thậm chí ngay cả bản thân tôi đã từng nghĩ tới 2 từ tự tử chỉ vì những lý do hết sức ngờ nghệch".
Bài học của sự nông nổi nhất thời
Trước sự việc này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng đã có những chia sẻ sâu sắc.
Thầy Khắc Hiếu bày tỏ: "Lại một sự sống đã mất đi xuất phát một lý do nhỏ nhặt. Không biết cần bao nhiêu cái chết nữa người ta mới chịu dạy những đứa trẻ biết xử lý những tình huống không như ý muốn, biết tháo gỡ mâu thuẫn và biết đối đầu với những cơn gió ngược?"
Chuyên gia tâm lý đã chỉ ra nguyên nhân của sự việc: Tuổi mới lớn hay nghiêm trọng hóa mọi việc. Phụ huynh và thầy cô cũng cần quan tâm đến những chuyện tưởng chừng là “nhỏ nhặt”, nhưng chỉ là nhỏ nhặt đối với chúng ta, còn đối với học sinh, nó thường bị thổi phồng lên đến mức bùng nổ chỉ trong phút chốc nếu không tháo gỡ kịp thời.
|
Giảng viên Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: Mạng xã hội không phải là nơi ta muốn làm gì thì làm. |
Mạng xã hội không phải là nơi ta muốn làm gì thì làm. Người bạn “thủ phạm” kia phải ân hận mạnh mẽ về việc mình làm. Cả triệu bạn trẻ khác cũng phải nhìn vào đó mà biết chùng tay với những trò đùa ác ý, những tấm ảnh “dìm hàng”, những câu status định đăng mà có thểm ảnh hưởng đến thể diện của bạn bè mình. Đó là những trò đùa khờ dại.
Th.s Khắc Hiếu cho rằng: “Bản thân em ấy đã chết đi không còn cứu được, nhưng cả triệu bạn trẻ khác vẫn còn và phải lấy đây làm bài học cho sự nông nổi nhất thời. Các bạn trẻ hãy nhớ rằng: giận dữ là gánh giùm lỗi của người khác, nếu mâu thuẫn mà mình không tự giải quyết được thì nhờ người lớn, nhờ mẹ cha. Nếu thế vẫn không giải quyết được thì mặc kệ họ, một tấm hình – một câu status – một số tiền bị mất – một con điểm tệ - một lần thi rớt…tất cả đều không đáng quý bằng mạng sống của mình. Bởi khi tất cả đã mất, thì tương lai vẫn còn!”
“Các em cũng cần nhớ: Tự giết chết mình là bất hiếu. Làm gì cũng phải nghĩ đến mẹ cha. Nuôi con 18 năm trời để rồi chết đi vì chuyện bé cỏn con. Liệu có đáng?” là điều thầy Khắc Hiếu muốn nhắn nhủ.
Theo Infornet