Đại thắng Mùa Xuân 1975 cách đây 39 năm đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho các nhạc sĩ để sáng tác những bài ca có thể gọi là “xuất thần”. Những bài ca đi cùng năm tháng ấy đã góp phần tôn vinh tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Đại thắng Mùa Xuân 1975.
 

4. Cũng lấy chủ đề về thành phố Hồ Chí Minh trong mùa xuân lịch sử năm ấy, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người giản dị chỉ có 16 nhịp 4/4 được chia thành 2 đoạn, nhạc điệu chuyển động với nhịp độ vừa phải, trong trạng thái tình cảm dạt dào, ngợi ca, với giai điệu phảng phất chất dân ca Nam Bộ. Ca khúc đã dựng nên bức tranh về một Sài Gòn náo nức, sôi động, một Sài Gòn cách mạng tưng bừng cùng đoàn quân giải phóng đón Bác Hồ - vị Cha già dân tộc trở về thành phố mang tên Người: “Từ thành phố này Người đã ra đi, bao năm ước mơ đón Bác trở về. Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân. Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con. Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn…”.

Bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người ra đời như  là “cơ duyên” giữa phóng viên Đăng Trung và nhạc sĩ Cao Việt Bách. Chuyện là, tháng 3.1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng…, bước chân của đoàn quân giải phóng đang rầm rập tiến về Sài Gòn. Một chiều, Tổng biên tập Báo Tiền phong gọi phóng viên Đăng Trung lên và bảo rằng thời cơ giành toàn thắng đã ở trước mắt, cần phải chuẩn bị một số báo đặc biệt đón chào ngày chiến thắng, hãy viết một bài về thành phố Sài Gòn. Sau nhiều ngày đi đến các thư viện của Hà Nội, cái tứ “Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của Tố Hữu và sự kiện năm 1911, từ bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, cứ vương vấn trong anh. Đăng Trung thức trắng đêm viết bài báo “Từ thành phố này, Người đã ra đi”. Bài báo được in sau đó nhưng cái tít được sửa là “Cách đây 64 năm, từ Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”. Anh rất vui khi cầm trên tay số báo có bài báo này giữa ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng cứ tiếc mãi cho cái tít “Từ thành phố này, Người  đã ra đi”.  Và ngay đêm đó, một đêm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh làm một bài thơ với cái tứ ấy. Cái duyên đến không ngờ là cũng chính vào lúc bài thơ hoàn thành thì nhạc sĩ Cao Việt Bách đến chơi. Hai người bàn với nhau về thơ, về nhạc, về “sự kiện 30.4” mới xảy ra…

Lúc chia tay bạn, Đăng Trung đưa Cao Việt Bách bản thảo bài thơ mới viết và dặn: “Phải có một cái gì về ngày trọng đại này ông ạ!”. Không ngờ, hôm sau, không phụ lòng của bạn, Cao Việt Bách đem đến bản nhạc bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người mà ông chỉ viết ra trong vẻn vẹn chừng hai mươi phút. Hai người bạn ôm chầm nhau hát vang: “Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác”. Mấy hôm sau, khi bài thơ của Đăng Trung còn chưa kịp in báo thì bài hát đã được vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và, cứ mỗi dịp cả dân tộc ta kỷ niệm ngày Đại thắng 30.4.1975, bài hát như lời cổ vũ, động viên mọi người, mọi nhà “góp sức dựng xây non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu. Thỏa lòng Bác mong. Nước non này ngàn năm vững bền”.
 

Theo Báo Quảng Nam