Hơn một thập kỷ trôi qua, thời gian đủ dài để chúng ta quên đi nhiều thứ nhưng đối với những người yêu mến Trịnh Công Sơn, những sáng tác ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn và quyến rũ. Âm nhạc của ông đã vượt thời gian và không gian.
Một lần, Trịnh Công Sơn nói, có một điều gần như không thay đổi là mùa xuân nào cũng từng ấy bạn bè vây quanh, chỉ có khuôn mặt tình yêu là không như cũ... Với hơn 600 nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn đã dành hết cuộc đời của mình cho tình yêu, quê hương và thân phận. Trong những nhạc phẩm để đời đó, “Cuối cùng cho một tình yêu” được xem là một trong những ca khúc phổ thơ hay nhất, công chúng biết nhiều với những giai điệu da diết về một kỷ niệm đầy nhớ thương hơn 50 năm trước.
Đại học Văn khoa Huế ngày ấy có nữ sinh viên Trần Thị Nh. H. Cô không nằm trong danh sách người đẹp nhưng hay mặc áo dài tím. Với dáng đi mềm mại, hát hay, H. được nhiều người mến mộ. Trong những người theo đuổi Nh.H, có họa sĩ Trịnh Cung (bạn thân của Trịnh Công Sơn), đang học Mỹ thuật Huế. Nhiều người nói, vì yêu Nh.H nên Trịnh Cung làm thơ. Và ông cũng đã thú nhận tình cảm đơn phương đó. Điều oái oăm, cho đến nay, Nh. H. đã có cháu nội, ngoại nhưng vẫn chưa biết “Cuối cùng cho một tình yêu” là bài thơ của Trịnh Cung viết cho chính mình. Tuy nhiên, sau này Trịnh Cung lại hoài niệm, “Cuối cùng cho một tình yêu” là nỗi niềm của ông khi ra Huế. Thời đó, nữ sinh Đồng Khánh tan trường như những cánh bướm bên bờ sông Hương. Nhìn họ, Trịnh Cung cảm thấy lạc lõng vô cùng vì chẳng bao giờ nói chuyện được với ai bởi phong cách Huế rất riêng và kín đáo. Ông chỉ biết đi theo, ngắm nhìn, mơ mộng rồi làm thơ. Hình ảnh cô gái Huế được Trịnh Cung hư cấu thành một chuyện tình.
Bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Cung được Trịnh Công Sơn phổ nhạc vào năm 1958 đã đạt đến đỉnh sầu với một giai điệu đẹp, thanh thoát:
“Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói...”.
Ừ, thôi em về. Đó là sự thả trôi, buông rời trong buồn tủi. Vết hằn thời gian. Quá khứ có nhau, tương lai không còn nữa. Chiều mưa giông đã làm trôi đi những kỷ niệm, dấu chân xưa rồi cũng nhạt nhòa. Trịnh Cung nói, ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi, bàn tay lại đói. Em đi khỏi, em đâu còn trong vòng tay nữa. Mà dường như em đâu có bao giờ trong vòng tay đâu? Ông cứ mãi đi theo sau những chiều tan trường, để rồi “hai bàn chân mỏi” cho “tình yêu xứ này”:
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này.
Ai cũng như vậy, một lần yêu thương là một đời bão nổi. Và như thế, lời giã từ trên vừa hé trên đôi môi, sầu anh đã xuống đầy khi bầu trời đang vần vũ cơn mưa giông đầu mùa:
Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ giã từ
Chiều mưa giông tới.
Trịnh Công Sơn gần như giữ nguyên bài thơ và chỉ chỉnh lại câu thơ cuối cùng “Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay” của Trịnh Cung thành “Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây” đầy luyến tiếc:
Em ơi, em ơi!
Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài song bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây”.
“Cuối cùng cho một tình yêu” là một kỷ niệm, cho đến cuối đời, Trịnh Công Sơn vẫn không thể nào quên. Và đối với công chúng, đó là một câu chuyện đẹp và buồn như chính tình ca của ông. Người ta vẫn hát, vẫn sống với nó như một phần không thể thiếu được trong những cuộc tình lãng mạn đầy tiếc nuối.
Theo CA Đà Nẵng