Quan niệm dân gian cho rằng, cúng ông Công, ông Táo phải vào buổi trưa 23 tháng Chạp. Nhưng thực tế, nếu không sắp xếp được thời gian, bạn có thể làm cỗ cúng trước 1-2 ngày.
Vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm, các gia đình thường làm cơm cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai, còn Táo quân (gồm 2 ông, 1 bà) cai quản việc bếp núc trong gia đình. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị thần này sẽ bay về trời, trình báo mọi việc xảy ra tại gia đình trong năm qua để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Bởi vậy, dù có bận rộn thế nào, các gia đình đều dành thời gian làm lễ cúng ông Công ông Táo một cách cẩn thận nhất với mong muốn gia đình gặp nhiều bình an.
|
Một số lễ vật trong ngày cúng ông Công, ông Táo |
T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết: “Cúng ông bà tổ tiên hay lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào buổi sáng, có thể cúng trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa (giờ Ngọ) ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, đây là khoảng thời gian thích hợp để kịp giờ ông Công, ông Táo lên thiên đình”.
Buổi sáng cũng là lúc đầu óc con người minh mẫn, thanh tịnh và sảng khoái nhất. Từ đó mới có thể lo mâm cúng được chu toàn.
“Về lễ vật bắt buộc có trong lễ cúng ông Công ông Táo, dân gian vẫn quan niệm phải có 3 bộ mũ, áo (hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà). Trong đó, mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những đồ vàng mã này sẽ được hóa, đốt sau lễ cúng ông Táo.”, T.S Đinh Đức Tiến nói.
|
Cá chép là linh vật để ông Công, ông Táo cưỡi về chầu trời. |
Cá chép là linh vật không thể thiếu trong các lễ vật cúng ông Công, ông Táo. Để ông Táo có phương tiện về chầu trời, người ta hay cúng 3 con cá chép (hay cá vàng) còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa rồng". Con cá chép này sau đó sẽ được phóng sinh, thả ra ao, hồ hay sông.
Theo một tích truyện của Nho giáo, trong rất nhiều những loài cố gắng vượt vũ môn để đạt tới ngôi vị cao hơn, có một loài cá chép vô cùng đặc biệt. Con cá này đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, vượt qua nhiều thử thách để rồi vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng. Từ đó, cá chép biểu trưng cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng. Với giới trí thức, cá chép sẽ đem đến sự thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn.
Ngoài ra, còn có các loại vàng mã khác, hương, hoa, oản, quả, cau, trầu cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ. Những lễ vật này, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình mà có sự chuẩn bị khác nhau.
T.S Đinh Đức Tiến chia sẻ thêm: “Khi khấn ông Công, ông Táo, quan niệm dân gian cho rằng không nên cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay. Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, gia chủ có thể sắp xếp bàn thờ, lau chùi bát hương, chuẩn bị mọi thứ để đón giao thừa”.
Theo Hoàng Ngọc/Dân trí