4 năm vật lộn với đại học, 4 năm với bao cố gắng, nỗ lực để nhận tấm bằng cử nhân danh giá, nhiều bạn trẻ vỡ òa trong niềm vui. Nhưng, khi đối mặt với cuộc sống trần trụi giữa nền kinh tế đang suy kiệt, các bạn đã sa chân vào lối đi lầm lạc: làm gái bán dâm.
 
"MÁ MÌ" CỬ NHÂN
 
Hoàng Thị Phương Loan
Hoàng Thị Phương Loan

Theo hồ sơ của CA quận Long Biên: khoảng 21h10' ngày 30/7, tổ công tác đội CSHS CA quận Long Biên, Hà Nội, kiểm tra hành chính khách sạn Nam Hải, phường Ngọc Lâm, phát hiện, bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Hai đối tượng nữ bán dâm được xác định là Hoàng Thị Phương Loan (23 tuổi, quê Hà Giang), tạm trú tại phường Điện Biên, quận Ba Đình và Đàm Thị P. (24 tuổi, quê Hưng Yên), tạm trú tại phố Cát Linh, quận Đống Đa.

 
Năm 2012, Loan tốt nghiệp một trường có tiếng tại Hà Nội. Từ nhỏ, cha mẹ Loan đã ly hôn. Sau đó, cô sống cùng với mẹ.
 
Chứng kiến cuộc sống khổ cực, lam lũ của mẹ, Loan sợ phải trở về vùng quê nghèo đói của mình. Anh trai Loan hiện đang thụ án tại một trại giam ở Quảng Ninh, mẹ cô đặt hết hi vọng vào đứa con gái xinh đẹp. Sau khi ra trường, Loan bám trụ lại đất Hà Nội. Trong lúc chưa tìm được việc làm, cô hành nghề bán dâm, kiêm "má mì" để cải thiện thu nhập. Sống bằng vốn tự có, Loan lấy tên là Trang. 
 
Dáng người cao ráo, khuôn mặt dễ nhìn nên trong giới bán dâm, Loan khá có tiếng. Khách muốn vui vẻ với Loan đều phải trả giá trên 3 triệu đồng/lượt. Sau lần đầu đi khách và để lại số điện thoại, Loan nhận được nhiều cuộc gọi hỏi mua dâm. Khách làng chơi là những kẻ lắm tiền, trao nhau số điện thoại của cô để khi cần "giải sầu" sẽ gọi. Khách của Loan chủ yếu là các đại gia ăn chơi. Bãi đáp của các cô là những khách sạn sang trọng.
 
Tháng 7/2013, Loan quen P. - một sinh viên đang học ở Hà Nội. Biết cô gái này cũng thường xuyên bán dâm, Loan trao đổi số điện thoại hẹn có khách sẽ giới thiệu cho nhau. P. hiện đang là sinh viên năm thứ 4 một trường đại học ở Hà Nội. Là sinh viên năm cuối, hoàn cảnh gia đình không khó khăn, nhưng muốn có quần áo đẹp, sau khi quen Loan và được "đàn chị" rủ rê, P. đã lao đầu vào con đường tối. Chỉ cần nhận được điện thoại của Loan, P. sẵn sàng bắt taxi, tìm đến khách sạn phục vụ cho các "đại gia" để đổi lấy vài triệu đồng.
 
Theo lời khai của Loan, tối ngày 30/7, khi đang ở nhà trọ, cô nhận được điện thoại của một khách quen "rủ đi chơi". Biết là khách làng chơi muốn mua dâm, Loan bắt taxi đến khách sạn.
 
Tới nơi thấy hai vị "đại gia" chờ sẵn và yêu cầu Loan gọi thêm bạn đến mua vui, Loan đã gọi điện cho P., hướng dẫn bạn đến khách sạn cùng mình bán dâm với giá 3 triệu đồng/lượt.
 
Sau khi nhận 6 triệu đồng của khách, Loan còn được khách "bo" thêm 500.000 đồng tiền công môi giới. Khi cả hai cô đang bán dâm ở hai phòng trong khách sạn thì bị cảnh sát ập vào bắt quả tang. CA Quận Long Biên hiện đã bắt Loan để điều tra, xử lý về hành vi môi giới mại dâm.
 
Trước đó, ngày 13/7, Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, đơn vị đang phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Triệu Thị Đào (35 tuổi), trú tại Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch về tội “Chứa mại dâm”.
 
Được biết, trước đó Công an huyện Bố Trạch đã phát hiện và bắt quả tang tại nhà trọ Sao Biển do Đào làm chủ đang tổ chức cho 3 đôi mua bán dâm. Tại cơ quan điều tra, 3 đối tượng nữ bán dâm khai nhận đang là sinh viên đại học gồm: Trần Thị Tr. (21 tuổi) và Nguyễn Thị D. (20 tuổi) cùng trú ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và Cao Thị N. (19 tuổi), ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
 
LẠC LỐI
 
Ngoài những cử nhân “cất bằng Đại học” đi bán thân, không ít sinh viên cũng tận dụng ngày hè để kiếm tiền bằng thân xác. Vừa qua, có hàng loạt đường dây “mại dâm sinh viên” bị vạch trần. Chỉ cần mang mác sinh viên, những gái bán dâm này “có giá” và được các đại gia săn lùng. Hầu hết các em thích ăn chơi đua đòi, hưởng thụ, thất học, không công ăn việc làm, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, xa, nơi có trình độ dân trí thấp mà các em bị dụ dỗ vào con đường hoạt động mại dâm.
 
Không ít những gái mại dâm sinh viên ban đầu “bước vào nghề” với ý nghĩ chỉ làm một thời gian ngắn rồi rút ra, thậm chí chỉ một lần để kiếm một khoản tiền nhất định mà mình đang cần gấp. Tuy nhiên sau một thời gian, vì bị sức hút của đồng tiền nên dần dần các em đã chấp nhận và coi đó như là kế sinh nhai, đồng thời để thỏa mãn lối ăn chơi xa xỉ cho “xứng” với đẳng cấp của dân chơi mà không hề biết rằng mình đang ngày càng sa đà vào con đường tội lỗi.
 
Thực tế cũng có nhiều sinh viên vì theo bạn bè đã trót dại, muốn rút ra mà không được, bi kịch của cuộc đời gái gọi đã khiến họ nhận ra sự ê chề nhục nhã, nhưng lúc ân hận thì đã quá muộn. Quay đầu lại thì không cơ hội học tiếp vì bỏ học quá nhiều và không mấy người đủ can đảm khi “vết chàm” đã bị phát hiện. Và số phận của những “tri thức trẻ” này sẽ bước sang một con đường khác… 
 
VỀ ĐÂU?
 
Theo điều tra của Bộ Giáo dục, năm 2011, cả nước có đến 63 % sinh viên thất nghiệp. Con số này không chỉ dừng lại ở đó khi năm 2013 đang được đánh giá là: năm kinh tế khó khăn và trì trệ nhất từ trước đến nay. Tháng 7/2013, hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp từ khắp các trường Đại học lao đao tìm kiếm công việc. Có người bán trà đá, có người đi xe ôm, có người bán hàng thuê,… Cũng có người trở về quê làm công nhân, làm nông dân… Dù làm trái ngành, dù lao động chân tay nhưng họ kiếm sống chân chính bằng sức lực của mình. Ít ra, điều đó có thể thông cảm được. Chuyện cử nhân có học thức, có hiểu biết lại “nằm ngửa kiếm tiền” bằng vốn sẵn có thật đáng buồn! Dù có trăm ngàn lý do để biện minh: nhà nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn,…
 
Tiếc thay những suy nghĩ bồng bột. Niềm vui đỗ đại học là hạnh phúc, là vinh dự lớn đối với cha mẹ quanh năm lam lũ vì con cái. Là thành quả đền đáp xứng đáng cho 12 năm đèn sách của các sĩ tử. Đặc biệt, năm nay, đầu vào điểm thi Đại học của các trường cao “ngất ngưởng”. Người ta lo sợ “Bộ Giáo dục thả cửa vào Đại học”, người ta ăn mừng vì đứa con mình đỗ đạt. 
 
Anh Đỗ Quang Đán (35 tuổi, Đống Đa – Hà Nội) lo lắng: “Chúng ta cứ bung ra quá nhiều trường đại học, mở hết khoa này, ngành kia, nhưng chính ông thầy dạy cũng chả biết trò ra trường sẽ làm gì? Tình trạng nhiều gia đình khánh kiệt, nợ nần vì cho con đi đại học. Tuổi trẻ cần mặc đẹp ăn ngon. 4-5 năm học ở thành phố quen với ăn vận, son phấn ra trường cha mẹ không chu cấp nữa, lại dài cổ không xin được việc làm nên đành đưa chân. Chuyện sinh viên bán thân, cử nhân đi bán dâm thế này chả thiếu đâu.
 
Hãy nhìn vào thực tế, chứ cứ ảo tưởng với những con số thống kê, với câu chữ vắt vẻo ăn theo, nói theo của các vị chuyên gia kinh tế xứ ta thì rất nguy hiểm cho một sự lạc quan ảo. Vì tuổi trẻ, vì ngày mai, các chính sách hãy hướng về cả chục vạn cử nhân mỗi năm ra trường họ làm gì và sống thế nào?
 
Nếu cứ xuống cấp thế này thì tương lai ngày mai sẽ ra sao? Thấp thoáng đâu đó đằng sau nụ cười rạng rỡ của những thí sinh đỗ đại học, có những tiếng thở dài ngao ngán: Rồi 4 năm nữa, số cử nhân kia sẽ đi đâu? Làm gì? Hay là lại… sinh viên bán dâm, cử nhân bán thân…„
 
Loan Thoa