Dự kiến kinh phí đầu tư quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa khoảng 7.400 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa.
 
 
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000 với quy mô 860,4ha (vùng Lõi 31,2ha; vùng Trung 225,3ha; vùng Ngoại 247,3ha; vùng Biên 356,6ha).
 
Một trong những mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của thủ đô Hà Nội.
 
Tính chất của khu di tích thành Cổ Loa là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, là một trong những công viên chính của thành phố Hà Nội, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử có nhiều đặc trưng văn hóa.
 
Định hướng quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “công viên Lịch sử - Sinh thái – Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học.
 
Quy mô khách du lịch đến khu di tích Cổ Loa, dự kiến đến năm 2020 là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/năm.
 
* Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, đến năm 2025.
 
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích 845ha. Một trong những mục tiêu quy hoạch là bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu di tích lịch sử Đền Hùng. Tổ chức các hạng mục công trình xây dựng mới để tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng vương; đưa khu di tích lịch sử Đền Hùng thành một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Việt Trì, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
 
Theo Tuổi trẻ
.