(BVPL) - Để “trả ơn” vì nhờ ngâm Kiều mà lấy được vợ, nên dù mùa xuân này đã bước qua tuổi 89 nhưng lão nông Phạm Trung Tiên (ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn thuộc làu 3.254 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.    

 


Trong quãng thời gian gần 15 năm tham gia cách mạng, từng vào sinh ra tử, bị bắt tù đày trong nhà giam của địch đầy khổ ải, nhất là những trận đòn roi ở nhà tù Pleiku (Gia Lai). Tuy đau đớn về thể xác, nhưng anh em đồng chí lúc bấy giờ ai nấy cũng không hề nao núng. Đêm đêm, để động viên nhau chống chọi với đói rét, đòn roi, bạn tù cùng nhau cất cao lời thơ, tiếng hát. Và khi những câu Kiều được anh giải phóng quân Tiên cất lên khiến ai nấy đều cảm thấy xúc động, bùi ngùi.

Năm 1954, khi có lệnh đi tập kết nhưng do mới ra tù, quá ốm yếu, ghẻ lở đầy mình, nên chiến sỹ Tiên không đảm bảo được sức khỏe, phải ở lại địa phương. Ở nhà chưa được bao lâu, do thấy có phong thái đĩnh đạc, mặt mày trắng trẻo sáng sủa, không giống như một nông dân chân lấm tay bùn, nên bọn tay sai cảnh giác lại bắt ông bỏ tù. Đêm đêm, ông lại ngâm Kiều, đọc thơ khiến bọn địch cứ nghĩ ông là một “cán bộ to” của cách mạng. Chúng còn bắt ông ra để chụp hình rồi gửi cho cấp trên báo rằng đã bắt được một ông “Thường vụ Huyện ủy” rồi khấp khởi chờ lĩnh thưởng. Thế nhưng, khi tra cứu hồ sơ, phát hiện ra ông không phải là “cán bộ to” nên chúng cay cú lôi ông ra biệt giam ở Phòng Nhì, đánh đập cho hả dạ rồi phóng thích.

Được về nhà, theo lời kêu gọi “diệt giặc đói, giặc dốt” của Bác Hồ, cụ Tiên tham gia dạy bình dân học vụ ở địa phương. “Đây là khoảng thời gian được xem là vui nhất của của tôi vì được làm việc phù hợp với sở thích, sở trường của mình là đem những kiến thức, chữ nghĩa, văn chương để truyền đạt lại cho bà con quê hương. Rồi những lúc rảnh rỗi nông nhàn, những đêm trăng thanh gió mát, tôi lại lẩy Kiều, bình Kinh Thị cho vợ con và bà con trong thôn, xóm cùng nghe”, cụ Tiên hào hứng kể.

“Gần đất xa trời” vẫn thuộc làu 3.254 câu Kiều

Giờ đây, khi đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, vợ chồng cụ Tiên vẫn như “vợ chồng son”, vì con cháu đã yên bề gia thất, mỗi người lập nghiệp mỗi nơi. Với một tình yêu được “nàng thơ” vun đắp như thế nên theo cụ Tiên, để “trả ơn” truyện Kiều vì nhờ nó mà ông cưới được vợ, nên dù giờ đây trước gánh nặng của tuổi tác, chân đã yếu, tay đã run nhưng 3.254 câu Kiều ông vẫn thuộc làu, không sót một chữ.

Trong những đêm trăng thanh gió mát, vợ chồng cụ và nhiều người dân trong xóm ra Đầm Trà Ổ hóng mát, cụ Tiên lại ngâm Kiều, lẩy Kiều góp vui, tận tình giảng giải những câu, chữ cho người. Lắm lúc, đám thanh niên thấy cụ tuổi đã già, sức yếu muốn “thử lửa” cụ nên hỏi câu này, câu kia, lúc thì đoạn đầu, lúc đoạn cuối, nhưng cụ vẫn thuộc vanh vách từng câu, từng đoạn chứ không vấp váp chỗ nào.

Và nhờ lúc nào cũng ngân nga những câu thơ cổ nên cho đến nay, ngoài thuộc vanh vách truyện Kiều, cụ Tiên còn thuộc gần như toàn bộ truyện thơ Nôm Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Xanh Xuân Nương và nhiều câu hát kết, hát ghẹo, hát đưa duyên… Một điều đáng ngạc nhiên và hiếm gặp hơn là sắp bước qua tuổi 89, nhưng chỉ cần đọc qua chừng 2 lần một bài thơ nào đó là cụ đã thuộc và nhớ nằm lòng.
 

Trần Minh

.