Từ sau vụ việc điều dưỡng đánh rơi 5 trẻ sơ sinh ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội, có người để tiền cảm ơn điều dưỡng nhưng bị trả lại.
Theo người nhà của 5 cháu này thì mỗi lần các điều dưỡng đến đưa con họ đi tắm, người nhà đều phải đưa từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng vào tã của cháu bé nhằm ‘cảm ơn’ các điều dưỡng viên.
Và "chưa bao giờ đưa tiền cho điều dưỡng mà họ trả lại cả", một sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định.
Còn bà Tâm, mẹ của sản phụ Lê Thị Tuyết chia sẻ: “Bình thường mỗi lần tắm, thay tã lót các gia đình đều kẹp từ 20 ngàn đến 50 ngàn đồng vào tã mỗi cháu bé cho điều dưỡng Vân Anh. Tuy nhiên, hôm ấy có 2 gia đình do không đổi được tiền lẻ nên đã không bỏ tiền vào tã các cháu. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến điều dưỡng này giận?”.
Phản bác lại những thông tin này, điều dưỡng Trần Vân Anh nói: "Có nhiều nhà đã để tiền vào tã của em bé nhằm đút tiền cho điều dưỡng viên. Khi em đưa các bé đi tắm, thấy thế, em đều cầm tiền trả lại gia đình các bé. Em không bao giờ nhận tiền từ người nhà trẻ sơ sinh".
Sau loạt bài, video về việc điều dưỡng Trần Vân Anh, Khoa A3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đánh rơi 5 cháu bé được đăng tải trên VTC News.
Nhiều độc giả đã gửi ý kiến đến báo VTC News. Trong số đó, độc giả tên Tú cho biết: “Tôi đã từng có người nhà sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Sau khi về phòng hậu sinh, lúc đầu cho bé nhà tôi đi tắm tôi cũng chỉ chuẩn bị những thứ cô điều dưỡng thông báo. Một lúc sau, khi bé nhà tôi tắm xong, tôi thấy người bé tắm chưa được sạch, và lúc trả bé, cô điều dưỡng kia cũng tỏ thái độ vùng vằng, nói trống không...
Tôi bức xúc quá định làm cho ra nhẽ nhưng đành nhịn. Bác chăm người thân giường bên cạnh hỏi tôi: “Thế lúc chuẩn bị cho bé đi tắm anh có bỏ tiền vào gói tã không?” Tôi bảo: “Không, cháu chỉ chuẩn bị những thứ họ yêu cầu thôi”. Bác kia nói: “Ở đây, mỗi lần tắm anh phải bỏ thêm vào gói tã của bé từ 20-50 nghìn đồng thì các cô ấy tắm sạch sẽ, lại niềm nở. Còn không, anh thấy đấy...
Lúc nào cũng hô hào khẩu hiệu: Lương y như từ mẫu... nhưng sự thật thì ngược lại, ăn tiền một cách trắng trợn. Những lần tắm sau tôi cũng phải bỏ thêm tiền vào lần thì 30 ngàn, lần thì 50 ngàn đồng. Và đúng là khác thật, bé nhà tôi được tắm sạch sẽ hơn, họ niềm nở ...
Tôi thiết nghĩ, ngành y tế cần siết chặt khâu kiểm tra, phát hiện sai phạm. Nếu cần thiết cho nghỉ việc luôn. Còn vụ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cần phải kỷ luật nghiêm, chấn chỉnh ngay lập tức. Những lời nói của cô điều dưỡng kia chỉ là bao biện... Những ai đã từng có người thân sinh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ thấy rõ điều tôi nói trên đây.
Đưa tiền, giờ điều dưỡng trả lại
Để tìm hiểu việc có hay không việc gài tiền trên người em bé để cảm ơn điều dưỡng, phóng viên đã đến khoa A3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội tìm hiểu.
Tại đây, người nhà của mỗi trẻ sở sinh đã quá quen với việc rỉ tai nhau rằng, mỗi khi tắm cho bé, nên chuẩn bị đổi ít tiền lẻ: 20 ngàn đồng, hoặc 30 ngàn đồng để dắt vào khăn cuốn trẻ.
Bà Hoa đi trông sản phụ này. Chị đã 40 tuổi và nếu có lệ phải nhét 20 ngàn đồng tắm bé thì chị cũng không có tiền. (Ảnh: N. Tâm)
Bà Hoa đi trông sản phụ này. Chị đã 40 tuổi và nếu có lệ phải nhét 20 ngàn đồng tắm bé thì chị cũng không có tiền. (Ảnh: N. Tâm).
Theo lời bà Nguyễn Thị Hoa (Phú Xuyên, Hà Nội), đang đi chăm em dâu sinh tại khoa A3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội: “Trước Tết, tôi đi trông con dâu sinh. Ở đây đã thành thông lệ, cứ đến giờ tắm, người nhà trẻ lại dắt tờ 20 ngàn đồng để cảm ơn điều dưỡng tắm cho bé.
Nếu là rửa vết thương cho mẹ thì tiền cảm ơn là 10 ngàn đồng/lần. Mà lần trước, đứa con dâu tôi nó là giáo viên, nên nó có tiền. Nó cứ bảo tôi phải chuẩn bị ít tiền để cảm ơn.
Có buổi sáng, người nhà phải ra ngoài để bác sĩ vào khám, sau đó trẻ được gọi đi tắm. Đứa con dâu tôi không mang tiền lẻ nên phải xuống tầng dưới gặp tôi lấy tiền lẻ để biếu điều dưỡng tắm đấy thôi.
Lần này, cô em dâu tôi 40 tuổi rồi mới sinh được đứa này. Với lại, cô ấy nghèo làm gì có tiền mà cảm ơn. Ngày nào cũng tắm, cũng cảm ơn, ở đây cả tuần hết 140 ngàn đồng. Cô ấy cũng không có. Hơn nữa, mấy ngày nay, tôi đi trông em dâu thì không thấy hiện tượng như vậy nữa. Trong phòng chả ai làm vậy.”
Chung quan điểm, bà Mỹ cùng phòng đi trông con gái cũng khẳng định: Ở phòng con bà, giờ không có hiện tượng đút tiền khi trẻ đi tắm nữa. Dù trước đó, bà có nghe đến chuyện này.
Còn Bà Tuy (Hà Đông, Hà Nội): Tôi đi trông em gái, mổ hôm 22/7, cháu đã về với mẹ rồi. Các em tắm ở đây không mất tiền, thay rửa vết mổ cũng không mất tiền. Trước kia thì có đấy, thay quần áo cũng mất 20 ngàn đồng. Giờ thì họ đến tận nơi bế con mình đi. Chả phải tiền nong gì.
Cháu tôi đã được tắm 2 lần rồi. 7h 30 họ bắt đầu đuổi ra khỏi phòng, 8h bắt đầu cho trẻ đi tắm.
Bà Tuy bảo: “Cũng phải xem xét chính người nhà bệnh nhân nữa. Họ làm hư điều dưỡng vì chủ động gài tiền vào người trẻ”.
Chị Hoa (Thường Tín, Hà Nội) là sản phụ vừa sinh con được 1 ngày nhưng những thông tin về việc đánh rơi 5 cháu bé, chị biết rất rõ. Con chị sinh non chỉ nặng 2,5 kg nhưng cháu vẫn bú mẹ bình thường. Việc cho con đi tắm hằng ngày là việc phải làm để vệ sinh cho cháu.
Chị cho biết: Từ hôm có sự vụ 5 trẻ bị rơi, việc cho các cháu đi tắm được chu đáo hơn. Cả phòng chị ở cũng không thấy ai nói gì đến việc nhét tiền cho điều dưỡng cả. Nhưng mấy hôm trước, có bà mẹ ở giường số 15 kê sát chị có gài 20 ngàn đồng vào khăn trên người trẻ. Khi điều dưỡng cởi bỏ lớp khăn bên ngoài để đi tắm, thấy tiền liền trả lại không lấy.
Chị Hoa cười nói: “Tôi nghĩ sau vụ việc rơi 5 trẻ sơ sinh, có lẽ việc phục vụ sản phụ và trẻ sơ sinh ở bệnh viện này sẽ tốt hơn".
Tuy nhiên, không thể khẳng định có những bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc trẻ rất tốt. Đó là ý kiến của bà Tiến, người đi chăm cháu. Bà bảo: Khi mẹ cháu sốt phải nằm lại viện, các bác sĩ ở A3 cũng rất chu đáo. Liên tục vào khám và hỏi thăm tình hình sức khỏe. Cái gì cũng phải nói đúng, có người xấu nhưng vẫn có những bác sĩ, điều dưỡng rất có tâm.
Theo VTC News