(BVPL) - Thuở tôi còn nhỏ thường được cha dẫn đi chợ Tết. Tôi mê nhất những bộ tranh in trên giấy dó. Nào là tranh gà lợn, hứng dừa, đám cưới chuột… mà đẹp nhất là bộ tranh “Lý ngư vọng nguyệt”. Cha mua về treo trên tường, tôi cứ ngắm hoài chú cá chép và ánh trăng đáy nước không biết chán. Năm sau, cha lại mua bức tranh “gà lợn”. Cha bảo, đây là tranh Đông Hồ.

 


Ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả, chủ đạo là nải chuối tiêu xanh nhiều quả và xòe đều ra xung quanh cùng một quả bưởi - quê tôi có loại “bưởi thồ” chín vàng quả to và ngọt, kèm theo quả phật thủ, mấy quả cam, quả quýt. Vậy là các bà, các chị lại xúm xít mua cho đủ các loại quả để có mâm ngũ quả đẹp cho ngày Tết.

Đi chợ Tết đối với nhiều người không phải chỉ là để mua sắm hàng Tết mà còn là một thú vui. Ở đó đầy ắp niềm vui và nụ cười. Tiếng mời chào xởi lởi của các bà, các chị bán hàng và có cả những lời mặc cả bớt một thêm hai của người mua - vui lắm. Dường như chẳng ai còn bận tâm đến cái rét cùng làn mưa phùn lâm thâm, ở đó đầy ắp tình người ấm áp trong buổi chợ quê cuối năm chuẩn bị đón mùa Xuân mới.

Tôi dắt đứa cháu gái 5 tuổi đi chơi chợ. Cháu kéo tay tôi đến chỗ đồ chơi dành cho trẻ em. Cháu tròn xoe mắt và thích thú nhìn từng động tác của người lặn tò he. Chú thao tác rất điệu nghệ, chỉ mấy phút đã cho “ra đời” chú gà trống tía đang cất tiếng gáy. Cháu tôi vui mừng cầm chú gà trên tay và khen sao đẹp thế. Đi chợ Tết còn để thưởng thức hương sắc của các loài hoa. Đặc biệt là bích đào đỏ thắm bông to cánh dày. Năm nay còn có cả đào phai, cành nhánh tự nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng về… tô đẹp thêm cho ngày Tết ở   miền xuôi và cả nơi phố thị. Mùa xuân đang hiện hữu trên khuôn mặt mỗi người trên mỗi con đường, mỗi phiên chợ Tết. Đi chợ Tết là nét đẹp văn hóa đặc trưng của làng xã Việt Nam ta từ bao đời còn lưu mãi đến mai sau!
 

Tản văn của Phạm Bá Dực

.