Sử sách ghi lại, Đô đài Bùi Cầm Hổ quê ở xã Đậu Liêu huyện Thiên Lộc nay là xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Ông sinh năm 1390 - mất năm 1483, làm quan Ngự sử dưới ba triều vua Lê (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn, Lê Nhân Tôn). Ông là người nổi tiếng ngay thẳng, đức độ và đã hai lần đi sứ nhà Minh làm rạng danh vua tôi nước Việt.

Tục truyền lúc mẹ ông chuẩn bị sinh ông, “trong nhà tự nhiên có tiếng hổ gầm rung động đất đai, kinh hãi mà sinh ra ông. Nhưng mà tường vách vẫn y nguyên như chưa từng có hổ vậy. Bố ông lấy làm lạ, bèn đặt tên cho ông là Cầm Hổ”, có nghĩa là bắt được hổ.


 Tượng đồng Đô Đài Bùi Cầm Hổ trong điện thờ.

Ông nổi tiếng với vụ án giải oan “bát canh lươn” khi còn đang trọ học chốn kinh kỳ. Lúc đó, kinh thành xảy ra vụ án vợ giết chồng bằng bát canh lươn. Biết người vợ bị khép tội oan vì mua nhầm rắn độc giống lươn, ông đứng ra giải oan... Người vợ được giải oan, ông được vua Lê đặc cách làm quan không qua thi cử.

Đường quan lộ của ông kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: An phủ sứ trấn Lạng Sơn, Ngự sử trung thừa, Tham tri chính sự. Năm Mậu Ngọ (1438) sung chức Phó sứ, thay mặt quốc gia sang nhà Minh tâu bày chuyện biên giới phía Bắc… Ở bất cứ vị trí nào, Bùi Cầm Hổ đều nổi tiếng là “một nhân vật cương trực dám nói, không cần né tránh quyền thế”.


 Toàn cảnh Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ nhìn từ ngoài vào

Khi về nghỉ ở quê nhà, ông cho ngăn khe dẫn nước từ núi xuống đồng ruộng của làng, đủ tưới hàng trăm mẫu ruộng xưa nay vốn bị hạn hán. Khi ông mất, được phong Bỉnh quân đại vương, Thượng đẳng phúc thần. 

Ghi nhận ơn đức của Đô Đài Bùi Cầm Hổ, nhân dân Đậu Liêu dựng Đền thờ và làm Lễ báo ân hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng. Đây là ngày hội xuân truyền thống lớn trong vùng: "Tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích".

Hiện nay, Đền Đô Đài nằm tại chân núi Bạch Tỵ - phường Đậu Liêu – TX Hồng Lĩnh, bên cạnh đường tránh QL1A chạy qua TX Hồng Lĩnh. Nhân dân thường gọi là Đền thờ Đức Thánh Đô Đài.


 Đền thờ xưa khá đồ sộ, có Thượng, Trung và Hạ điện hướng Đông Nam

Đền thờ xưa khá đồ sộ, có Thượng, Trung và Hạ điện hướng Đông Nam. Trong đền có đủ các loại đồ tế khí, nghi trượng. Trước cửa hai ông phỗng to gần bằng người lớn, tóc tết hai xoáy, chắp tay quỳ gối kính cẩn nghiêm trang.

Trong hai cuộc chiến tranh, ngôi đền bị bom đạn phá huỷ. Hoà bình lập lại, nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp lập lại ngôi đền mới. Ngôi đền mới hiện nay chỉ thu gọn trong hai toà nhà: một điện thờ và một bái đường được sử dụng lại của ngôi đền cũ còn ít nhiều dấu tích văn hoá chạm trổ thời xưa.


 Ông Bùi Văn Vượng - Người trông coi Đền thờ giới thiệu cho PV áo, mũ, cân đai ngày xưa Đô Đài Bùi Cầm Hổ sử dụng.

Đặc biệt, trong đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ hiện còn lưu giữ nguyên vẹn những di vật như: áo, mũ, cân đai phẩm phục lúc sinh thời ông sử dụng, cùng các đạo sắc phong của các triều vua, chúa. Trong đó, có Sắc vua Minh Mệnh ngày 21/8/1824 đề: “Gia tằng Phổ Trạch chi thần”, “Chuẩn cho xã Đậu Liêu - huyện Thiên Lộc thờ phụng như cũ để thần giúp đỡ che chở cho dân”.

Năm 1992, đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.


 Con cháu họ Bùi xem những sắc phong các triều Vua, Chúa sắc phong cho Đô Đài Bùi Cẩm Hổ và Đền thờ Đô Đài.

 Năm 1992, đền thờ đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 Những ngày Lễ, Tết con cháu họ Bùi về dâng hương tưởng nhớ Đô Đài Bùi Cầm Hổ và nghe kể lại những câu chuyện về ông.


 Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, Đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ là địa điểm linh thiêng của dòng họ Bùi cả nước hướng về.

 

Bùi Tiến