(BVPL) - Cua một vòng nhỏ trong sân Tòa án, Duyên đỗ chiếc xe Toyota Camry màu trắng bạc sát góc sân. Cô mở cửa xe, xách cặp, bước xuống và đóng mạnh cánh cửa. Hôm nay, cô mặc bộ váy bó màu ghi ngắn sát gối, kiểu may cho phụ nữ công sở, rất hợp với dáng người cao mảnh của cô. Vừa đi, cô vừa đưa tay lại phía sau bấm khóa xe tự động, rất điệu nghệ. Chiếc xe lóe sáng đèn và kêu tiếng “bíp”. Mọi người đứng ở sân Tòa án đều nhìn cô với con mắt ngưỡng mộ. Duyên nhìn thấy Minh đang đứng hút thuốc ở góc hiên nhà, cô bước nhanh lại phía anh, vừa cười vừa chào: Chào quý Viện!
Minh quay ra, vẻ ngỡ ngàng nhìn Duyên từ đầu đến chân, anh đùa đáp lại: Ai thế này nhỉ, tôi không nhận ra nữa đấy. Vâng, xin chào luật sư.
- Anh đến lâu chưa?
- Tôi vừa mới đến. Cô Duyên từ Hà Nội đi lúc mấy giờ?
- Đúng 6 giờ, em đi! Em còn qua nhà bà chị gái rồi mới đến đây đấy.
- Gớm, phụ nữ mà lái xe nhanh nhỉ! Đi có hơn hai tiếng đã tới rồi kia à?
- Hôm qua, em bảo anh có đi cùng không, anh không đi, sớm nay đi vẫn thoải mái kịp mà!
- Tôi phải xuống trước làm việc với Viện kiểm sát tỉnh, đi xe cơ quan quen rồi, đi nhờ xe của luật sư, nhỡ có người không hiểu nói ra, nói vào thì phiền lắm.
- Anh buồn cười thật! Cây ngay không sợ chết đứng. Công việc là công việc, con người chứ có phải gỗ đá đâu? Ai cũng phải có bạn bè, người thân chứ!
Vừa lúc đó, tiếng chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu làm việc. Minh và Duyên vào phòng xử án. Họ đến ngồi ở bàn có biển đề chức danh dành riêng cho công việc của mình. Vì bị cáo ở tuổi vị thành niên, nên được đoàn luật sư chỉ định Duyên bào chữa. Còn Minh thì làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại Tòa. Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hôm nay do ông Thắng là Chủ tọa, cùng hai thẩm phán Tòa án tối cao. Cả ba người đều chẳng lạ gì Minh và Duyên. Phần thủ tục và phần thẩm vấn đã xong. Bị cáo là một thằng bé hơn 16 tuổi, phạm tội Cướp tài sản của công dân. Giờ tan học, mấy đứa học trò nữ trên đường về rủ nhau lên đồi thông chơi. Thằng bé đi kiếm củi, thấy vắng vẻ, đã cầm dao chặt củi để dọa bắt mấy đứa học trò bỏ nhẫn vàng và hoa tai ra, tổng cộng là 5 chỉ vàng. Nó gói vàng vào chiếc khăn lấy của một đứa học trò, rồi cũng chẳng dám về nhà, mà gửi người quen đưa về cho mẹ. Qua điều tra, cơ quan Công an đã bắt được nó ngay. Tài sản đã được trả cho các cháu nhỏ. Vụ án thì đơn giản, nhưng tính chất phạm tội lại nguy hiểm: Thằng bé đã sử dụng hung khí để cướp tài sản. Tội đã rõ, lời khai của người bị hại, của nhân chứng khớp với lời nhận tội của nó. Tòa án sơ thẩm cấp tỉnh đã xử phạt nó 3 năm tù. Người giám hộ là mẹ nó đã làm đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Mặc dù có những tình tiết giảm nhẹ được nêu ra, nhưng chưa đủ cơ sở để có thể thay đổi về mức án. Khi kết luận vụ án, Minh vẫn đề nghị y án sơ thẩm, giữ nguyên hình phạt đối với thằng bé là 3 năm tù. Đến lượt Duyên phát biểu, cô không tranh luận về tội danh, không tranh luận về chứng cứ, mà chủ yếu chỉ nói về những tình tiết giảm nhẹ tội cho bị cáo. Đưa mắt nhìn Minh, cô nói: Tôi đồng ý các tài liệu trong hồ sơ phản ánh đúng như lời kết luận của vị đại diện Viện kiểm sát, nhưng tôi đã thu thập thêm được một số tài liệu thể hiện nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tôi xin xuất trình để Tòa xem xét mở lượng khoan hồng cho bị cáo được hưởng án treo! Ông Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Thư ký Tòa mang những tài liệu do luật sư xuất trình để Hội đồng xét xử xem xét. Sau khi ông cùng hai Thẩm phán khác xem xong, ông trao đổi khẽ với hai Thẩm phán và tuyên bố Tòa nghỉ giải lao để hội ý. Minh thấy ít khi có điều này xảy ra tại các phiên tòa. Ông tôn trọng mời Minh vào và đưa cho anh xem 2 tờ giấy, trong đó có một tờ là chứng nhận của bệnh viện: mẹ thằng bé 3 lần bị mổ dạ dày, một lần mổ ruột thừa; còn một tờ chính quyền địa phương chứng nhận hoàn cảnh gia đình nó: bố bỏ mẹ đi với người khác, nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ thì ốm yếu bệnh tật, không nơi nương tựa. Minh giật mình, tại sao trong hồ sơ không có những điều này. Anh suy nghĩ: Mọi chứng cứ phạm tội đã rõ, với loại tội này, có xử phạt tù giam cũng đúng mức. Thường thì vai trò chính trong vụ án phạm tội cướp, chưa khi nào anh đề nghị cho hưởng án treo. Nhưng nếu đúng như tài liệu Duyên thu thập được thì hoàn cảnh của thằng bé quả là quá éo le, đau khổ. Bây giờ mà giam nó, ai sẽ giúp đỡ mẹ nó lúc cơ hàn này. Nếu mình giữ nguyên như đề nghị lúc trước thì cứng nhắc, không có tình người. Mà những tình tiết mới như thế này chưa đến mức phải đề nghị Tòa hoãn xử để điều tra bổ sung. Minh nghĩ bây giờ mà kết luận lại, thay đổi đề nghị khác đi, có thể chạm đến lòng tự ái nghề nghiệp. Nhưng anh lại thấy cần phải cân nhắc quyết định thế nào cho đúng với lương tâm của người cán bộ Kiểm sát. Phiên tòa mở ra là để bảo vệ công lý, để trừng phạt cái ác, không làm oan người vô tội và phải đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng những gì còn lại của người phạm tội được pháp luật công nhận là chính đáng, anh cũng cần phải bảo vệ. Việc tranh luận trước Tòa chỉ làm sáng tỏ thêm vấn đề và làm cho mọi người thấy pháp luật của Nhà nước ta là nhân đạo, không phải nơi đây là nơi thể hiện sự thắng thua, sĩ diện. Nếu coi đây là sự thắng thua thì không còn là nhân tính của con người, mà sự đố kỵ, cố chấp lúc này chỉ là trò cười cho thiên hạ. Con người ta không ai hoàn hảo tất cả. Chính vì vậy mà khi có một sai sót gì, ta phải điều chỉnh lại ngay. Đừng vì thành tích, hiếu thắng mà vô cảm dẫn đến sai lầm không thể khắc phục được, để cả xã hội lên án. Khi đó có muốn và cố gắng đến bao nhiêu cũng đã là quá muộn…
Tòa tiếp tục làm việc. Ông Chủ tọa phiên tòa quyết định trở lại phần thẩm vấn và phần tranh tụng. Mẹ thằng bé, một người ốm yếu nói không lên lời. Người đàn bà tiều tụy này run run kể lại cho mọi người thấy hoàn cảnh khó khăn của mình. Bà còn vạch bụng cho mọi người thấy những vết mổ như những con rết to bò trên người mình. Duyên có vẻ hài lòng về những điều mình đã làm vừa rồi. Cô ngồi chăm chăm nhìn thằng bé. Đến phần trở lại tranh luận. Lý lẽ vì hoàn cảnh khó khăn, bồng bột thiếu suy nghĩ nên bị cáo mới phạm tội mà Duyên đưa ra, bị Minh bẻ ngay bằng câu nói: Tôi không đồng ý quan điểm này của luật sư. Nếu ai có hoàn cảnh khó khăn mà cũng phạm tội như vậy, liệu xã hội có còn là xã hội nữa không? Cứ bồng bột thiếu suy nghĩ mà kề dao vào người khác bắt nộp tài sản liệu có đáng phải xử lý hay không? Anh cố tình tỏ thái độ nghiêm khắc với ý định giáo dục cho thằng bé và cho mọi người thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án. Duyên lặng im không trả lời. Thấy thái độ của Minh, ai cũng tưởng anh sẽ vẫn đề nghị giữ nguyên mức hình phạt tù giam đối với thằng bé. Nhưng trái lại, anh đề nghị chấp nhận đơn xin giảm hình phạt của người mẹ và những tài liệu của luật sư đưa ra. Anh đề nghị cải án phạt tù giam sang cho bị cáo được hưởng án treo, thời hạn thử thách là 5 năm. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử quyết định như lời đề nghị của anh. Thằng bé được tha ngay tại Tòa. Minh nhận thấy anh chưa thật sự sát sao với vụ án, chưa hiểu được hoàn cảnh gia đình của thằng bé, nhưng anh đã kịp thời sửa chữa. Anh nghĩ câu nói: “Án tại hồ sơ” nhiều khi cũng cần phải xem lại. Mình chẳng thể đổ lỗi cho ai, sai thì phải sửa. Cái tâm của người cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật nhắc anh phải làm sao xử lý đúng pháp luật nhưng cũng phải chú ý đến những điều có lợi cho bị cáo.
Phiên tòa kết thúc trong tiếng khóc cảm động và biết ơn của người mẹ. Mọi người ra về. Minh còn đứng lại sắp xếp hồ sơ tài liệu cất vào cặp. Duyên bước lại gần, nắm tay Minh nói: Làm Kiểm sát mà có tình, có lý như anh, không tự ái, không đố kỵ, không sợ thắng thua, có cái tâm như vậy, em tin rằng mọi người chắc sẽ luôn cảm phục con người và công việc đang làm của các anh.
Minh cười: Có gì đâu? Đã là cán bộ Kiểm sát khi ở vào địa vị tôi, ai cũng phải xử lý như vậy. Đó chỉ là một việc làm bình thường mà thôi. Luật sư mới là người đáng nể. Cô đã thuyết phục được mọi người.
Truyện ngắn của Lưu Ánh Đông