(BVPL) - Từ ngàn xưa, dân tộc ta được biết đến là một dân tộc luôn coi trọng tình nghĩa. Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của cha ông để lại đã có không ít những câu ca nói lên phẩm chất vô cùng đáng quý này như:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Hay:
“Người còn thì của vẫn còn
Miễn là nhân nghĩa, vuông tròn thì thôi


Trong câu nói cửa miệng của người dân thường nhắc đến những câu đúc kết về tình nghĩa sâu đậm, về sự quan tâm giữa đồng loại với nhau. Kiểu như “một con ngựa đau, cả tầu bỏ cỏ”. “Lá lành đùm lá rách”. “Chị ngã em nâng”. “Thương người như thể thương thân”… Nhưng đáng buồn thay trên dưới hai, ba thập niên trở lại đây, từ khi đất nước ta bước vào nền kinh tế thị trường cùng với sự mở cửa và hòa nhập với thế giới thì bên cạnh những mặt tốt đẹp chúng ta lĩnh hội còn có những mặt xấu len lỏi vào. Một trong những mặt xấu đó phải kể đến là sự vô cảm. Sự vô cảm đang được cho là “căn bệnh” khó chữa và “căn bệnh” này dường như đang có môi trường thuận lợi để phát triển, để lại những hệ lụy đáng sợ, tác động đến sự hình thành tính cách của một số tầng lớp người trong xã hội và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến thế hệ trẻ với những biến chứng khó lường.

 

 “Căn bệnh” vô cảm trong ngành Y cũng như trong xã hội cần được loại bỏ.
“Căn bệnh” vô cảm trong ngành Y cũng như trong xã hội cần được loại bỏ.


Chúng ta hãy bắt đầu cuộc khảo sát này bằng việc đi ra đường. Ngay giữa ngã tư, một đám đông hiếu kì tạo thành một vòng tròn nhốn nháo. Nhìn kĩ mới nhận ra là hàng trăm con người đang đứng xem một tốp gồm năm sáu học sinh gái đều mặc đồng phục trường phổ thông trung học đang thi nhau lao vào vừa hò hét, vừa đánh đập, kéo tóc, dẫm đạp cặp sách của một học sinh gái khác cũng mang đồng phục cùng trường. Học sinh bị đánh thì la hét, vùng vẫy, kêu cứu nhưng những người đứng xem, sau giây phút tò mò ban đầu, họ đều lẳng lặng bỏ đi. Một vài người chẹp miệng “tưởng gì” rồi cũng nổ máy xe bỏ mặc học sinh bị bạn bè cùng lứa đánh đập, xỉ nhục. Rồi trên xe buýt, đột nhiên có ai đó kêu thất thanh “tôi bị mất ví tiền rồi”. Những người khách trên xe buýt nhìn nhanh về phía người bị kêu rồi lảng nhìn ra chỗ khác. Không một lời hỏi thăm, càng không có ai muốn cùng người khách bất hạnh truy tìm kẻ ăn cắp vẫn có thể đang có mặt trên chuyến xe đó… Đáng buồn hơn sự lãnh đạm, thờ ơ, vô cảm đã len lỏi vào một số nhân viên cũng như cơ quan công quyền. Kỉ lục về chất lượng một công trình ở Hà Nội vừa được thiết lập. Đó là chỉ trong hai năm, đường ống dẫn nước từ sông Đà về do Tổng Công ty Vinaconex xây dựng bị vỡ tới 9 lần. Lần vỡ lần thứ 9 xảy ra vào ngày 12/7 vừa qua làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hơn 70 nghìn hộ dân của ba quận là Thanh Xuân, Hoàng Mai và Hà Đông. Rồi ngày 1/8 vừa qua, Thủy điện Ia Kren 2 thuộc địa phận xã Ia Dom, huyện Đức Cơ Gia Lai bị vỡ lần thứ hai. Lần vỡ trước xảy ra vào tháng 6/2013 đã làm cho tài sản và hoa màu của 143 hộ của xã Ia Dom bị mất trắng, khiến đời sống của hàng nghìn người lâm vào cảnh khốn cùng. Ủy ban nhân dân các cấp cùng với các cơ quan chức năng đã cảnh báo là trong giai đoạn chờ sửa chữa hoàn chỉnh đến năm 2015, không được đầu tư tích nước lòng hồ thuỷ điện. Nhưng Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thuỷ điện Bảo Long vẫn phớt lờ mọi sự cảnh báo. Hậu quả, thuỷ điện Ia Kren bị vỡ lần hai đúng vị trí sửa chữa năm 2013. Ông Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, thiệt hại của bà con nhân dân xã ông lần này còn lớn gấp nhiều lần lần vỡ đập năm 2013…

Trong lĩnh vực y tế - Một lĩnh vực cần rất nhiều đến lòng thương, sự đồng cảm như những ngôn từ và mục tiêu của ngành đề ra như “thầy thuốc như mẹ hiền”. “Tất cả vì bệnh nhân thân yêu”… Thì đáng buồn thay, một số cán bộ, bác sỹ ngành y đang bộc lộ một thực trạng cần lên án. Đó là sự thờ ơ, tắc trách, vô cảm, thiếu trách nhiệm đến tàn nhẫn. Xin đưa ra mấy con số sau: Trong năm 2007 và năm 2008, có hơn 10 cháu tử vong do tiêm vắc-xin viêm gan B; Năm 2012 - 2013, có hơn 20 cháu rải rác ở gần 20 tỉnh thành từ Đà Lạt, Nghệ An, Lâm Đồng, Cà Mau cho đến TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chết vì tiêm vắc-xin... Vậy mà ngành Y tế vẫn chưa có biện pháp mạnh để giải quyết triệt để. Ngày 20/7/2013, tại Bệnh viện Đa khoa Hương Hoá (Quảng Trị) có ba cháu chết vì tiêm vắc-xin viêm gan B. Có lẽ vì  sự vô cảm, thiếu quan tâm như vậy nên đến năm 2014, sự việc đau lòng tương tự vẫn liên tục diễn ra. Ngày 8/7 bé Võ Thị Bảo Trân 2 tháng tuổi chết do tiêm vắc-xin ở Trạm y tế Trường Xuân (Tháp 10 - Đồng Tháp). Ngày 28/7 vì bị bỏ rơi, thiếu quan tâm sau hơn 24 giờ mặc dù người nhà sản phụ yêu cầu cấp cứu nên con sơ sinh của sản phụ Phan Thị Hà đã tử vong tại bệnh viện huyện Thuận An, Bình Dương... Rồi cũng vì sự lạnh nhạt, thiếu quan tâm chăm sóc, bàng quan bỏ mặc bệnh nhân của bác sĩ trực mà cháu Tô Quốc An 8 tuổi chỉ đau bụng cũng tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 20/4/2014…

Nhiều nhà chuyên môn đã bỏ thời gian, công sức truy tìm nguyên nhân khiến vô cảm trở thành “căn bệnh” khủng khiếp đang lan rộng, lan sâu trong xã hội nước ta đã cho biết: Dịch bệnh này bắt nguồn từ sự xem nhẹ luật pháp, xử lý chưa triệt để, thoả đáng trước các vụ việc đau lòng phát sinh từ sự vô cảm. Phải chẳng, sự thiếu trách nhiệm hay trách nhiệm chưa được định rõ cho mỗi cá nhân hay tập thể? Dù nguyên nhân là khách quan hay chủ quan thì hồi chuông báo động về sự vô cảm đang gây tác hại từ những nỗi đau của mỗi cá nhân, của cộng đồng đã vang lên. Và mỗi cá nhân vì sự tốt đẹp của cuộc sống con người hãy lắng nghe và tự mình tìm ra những giải pháp hữu hiệu để góp sức từng bước tiêu diệt “căn bệnh” vô cảm đáng sợ này.
 

Nguyễn Hiếu

.