Hội Nhà văn TP.HCM có 450 hội viên. Một thành phố trung tâm kinh tế, văn hóa lớn hàng đầu cả nước, ngót 10 triệu dân, với 450 nhà văn, nhà thơ (chưa kể số nhà văn, nhà thơ ngoài hội số lượng tương đương).

 

 

Mỗi người trong nghề đều có thể tìm ra và nói trúng nhiều nguyên nhân, tôi chỉ xin nhấn mạnh vào phần “đời sống hàng ngày” mà từ đây, các nhà văn, nhà thơ có thể thường xuyên cảm hứng và công bố tác phẩm, ở thành phố ta hiện quá ít, quá nghèo nàn. Một cuốn tiểu thuyết được viết trong một năm hoặc nhiều năm, nhưng một bài thơ, một truyện ngắn, một vấn đề văn chương mới mẻ, cần trao đổi, quảng bá, tranh luận là chuyện “hàng ngày”, đều có nhu cầu được giao lưu, công bố, tìm nơi tri âm, tri kỷ, lại phải chờ đủ trăm trang mới in một tập thơ, một tập truyện, một tập tiểu luận, bằng tiền Nhà nước hay tiền của mình, thì lúc đó đã nguội và nguội theo cả cảm hứng sáng tác. Nên có ai là người kể công đầu tư, thì cũng nên biết, số đầu sách đối với một nhà văn, luôn ít quan trọng hơn nguồn cảm hứng sáng tác tự nhiên và thường xuyên, mà thiếu nó, cũng sẽ thiếu tác phẩm có giá trị cao. Đã đành công việc sáng tác của mỗi nhà văn hoàn toàn là chuyện cá nhân, nhưng cảm hứng sáng tác của mỗi cá nhân lại vẫn xuất phát và ảnh hưởng từ đời sống cộng đồng và từ những người viết với nhau.

 

Có đất để công bố tác phẩm thường xuyên, chính là điều kiện để các nhà văn, nhà thơ có cơ hội giao lưu với nhau, với bạn đọc, với đời sống cùng các vấn đề xã hội, nghệ thuật, nhằm kích thích cảm hứng sáng tác, rút kinh nghiệm để tự hoàn chỉnh mình, nâng cao chất lượng tác phẩm, biết người, biết mình để không mắc bệnh hoang tưởng, ngộ nhận.

 

Từ trước tới nay, hầu hết các báo văn nghệ, tạp chí văn học, nghệ thuật, từ trung ương đến địa phương, đều sống bằng tiền Nhà nước. Nhờ bầu sữa Nhà nước mà nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ, nhiều chục năm qua, không mảy may thay đổi cả nội dung lẫn hình thức, từ bán chuyển sang biếu, người đọc ngày càng thờ ơ, nhưng vẫn “sống mãi với thời gian”, chẳng ai quan tâm nơi công bố tác phẩm như vậy, thì tác phẩm cũng sẽ như vậy. Sang thời kinh tế thị trường, hầu bao Nhà nước dành cho các báo, tạp chí văn hóa, văn nghệ, thắt dần lại, nhiều tờ báo sống lay lắt với số lượng cực thấp, chủ yếu chỉ để chứng tỏ mình vẫn tồn tại, không ít tờ phải đình bản, và người ta nói tại “văn hóa đọc” của công chúng ngày nay xuống cấp. Nhưng cũng cùng hoàn cảnh, các ngành nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, thậm chí, ngành múa khó sống nhất, người ta vẫn tìm được cách “vượt lên chính mình” để sống và có ngành còn sống khỏe?.

 

Nhớ hồi giữa những năm 80 thế kỷ trước, cũng tình trạng các tạp chí văn hóa, văn nghệ ngày càng ít người đọc, như hiện nay, đột nhiên tạp chí Văn, Hội Nhà Văn Thành phố đẻ ra phụ bản tập san Kiến Thức Ngày Nay, rồi báo Giáo Dục Thời Đại đẻ ra phụ bản tập san Thế Giới Mới, người đọc đủ mọi tầng lớp đón mua ào ào, khiến các chủ báo trở thành các đại gia, mở đầu cho hàng loạt các tập san “kiến thức” ra đời, nuôi sống hàng ngàn nhà văn, nhà thơ, nhà báo.

 

Nhắc lại thời kỳ này, để thấy, nếu hôm nay, có ai nói: Làm báo Văn Hóa, Văn Nghệ khó sống lắm vì “văn hóa đọc” ngày càng xuống cấp, thì cũng là họ nói lại những lời nhiều người đã nói vào những năm trước khi những tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới... ra đời, từ chính TP.HCM, rồi mới lan rộng ra cả nước.

 

Chỉ khác, hồi ấy, còn có những người có tài dám nghĩ dám làm, được trọng dụng, để vượt qua khó khăn của hoàn cảnh, còn ngày nay, chưa biết những người đó đang ở đâu?
 

Theo Người tiêu dùng

.