(BVPL) - Những thông tin tố cáo nhằm vào Trường Đại học Tân Tạo (TTU) cho rằng, hiện trường này không có hiệu trưởng; không có các hiệu phó chuyên môn; các quyết định liên quan đến việc tăng học phí, đưa ra mức thu phí thi lại, học lại, tuyển dụng, cho thôi việc, tuyển sinh… có nhiều sai sót, vi phạm; học phí thì tăng lên nhưng điều kiện học tập thì cải thiện không đáng kể. Điều này liệu có đúng?
Văn bản của TTU cho biết: Do vi phạm quy chế của TTU, gây hậu quả nghiêm trọng và quá tuổi lao động rất nhiều (82 tuổi), ngày 22/9/2016, Hội đồng quản trị TTU đã quyết định bãi miễn chức vụ Trưởng Khoa Y và chấm dứt mọi quyền lợi đối với ông B.D.T. Sau đó, do sự xúi giục của ông B.D.T, bà T.T.K.M, ngụ tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM không có con học tại TTU, mạo danh cha mẹ sinh viên để xúi giục, kích động, tổ chức lôi kéo, tụ tập phụ huynh sinh viên, tập hợp đơn từ, đi Hà Nội và gửi đơn ở địa phương và Trung ương.
 
Văn bản số 181 của TTU cũng bày tỏ: “Nay TTU xin trình báo để Công an tỉnh Long An được biết và kính mong quý cơ quan, với chức năng, nghiệp vụ của mình giúp đỡ nhà trường tìm ra được chủ mưu, ngăn chặn những hành vi gây rối, phá hoại trường”.
 
Diễn biến của sự việc gần đây đã xuất hiện tình tiết mới, với việc hàng loạt sinh viên và phụ huynh đã làm đơn xác nhận việc không tham gia ký tên tập thể vào đơn khiếu nại và xin tiếp tục được theo học.
Cụ thể, trong lá đơn ghi ngày 5/12/2016, em T.T.D, sinh viên Khoa Y năm 4 đã khẳng định: “Tôi xin xác nhận rằng: tôi không tham gia ký tên tập thể vào đơn khiếu nại đề ngày 8/11/2016. Nếu trong các đơn này có chữ ký và tên tôi thì đây là chữ ký giả mạo của kẻ xấu”.
 
Trong một lá đơn khác, em L.C, sinh viên Khoa Y năm 3 thừa nhận: “Trước đây, em có ký đơn xin chuyển trường do lo sợ bị trù dập và sự ra đi của các thầy cô. Tuy nhiên, tin đồn các thầy cô ra đi là không đúng”. Sinh viên L.C cũng khẳng định: “Em và gia đình nhận thấy rằng TTU vẫn là một môi trường tốt để theo đuổi và em cũng không con lo về việc bị trù dập”.
 
Đây là 2 trong số khá nhiều lá đơn mà các em sinh viên các khóa của Khoa Y đã làm và gửi đến TTU trong thời gian gần đây. Đáng chú ý, tất cả các lá đơn này đều có sự xác nhận của đại diện phụ huynh. Cùng với đó là sự cam kết về việc chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các nội quy, quy chế của nhà trường.
 
TTU phủ nhận nhiều thông tin bị tố cáo 
 
Quay trở lại với những vấn đề lùm xùm tại TTU thời gian vừa qua, ngày 3/10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 4894/BGDĐT-GDĐH gửi trường TTU, về việc học phí và cấp bằng tốt nghiệp. Sau khi nhận được giải trình của TTU về việc tăng học phí và cấp phát bằng tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến: “Theo quy định tại Khoản 4, Điều 10, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ sở giáo dục tư thục được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học. Trường chưa công bố công khai học phí dự kiến toàn khóa học là chưa thực hiện đúng quy định trên. Trường phải khẩn trương củng cố bộ máy quản lý, đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo”.
 
Trước đó, tại văn bản số 137/CV-TTU-2016 ngày 16/9/2016 của trường Đại học Tân Tạo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho hay: “Hiện nay, TTU là trường có cơ sở vật chất hàng đầu ở Việt Nam. Với việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, chương trình đào tạo ngang tầm với quốc tế, giảng viên gần 100% là tiến sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh… quy định học phí suốt 4 năm qua của Khoa Y tương đương 5.000 USD chỉ mới bù đắp được 30% chi phí thực sự TTU bỏ ra đào tạo. Cụ thể: chi phí đào tạo Khoa Y tương đương 21.000 USD/năm/sinh viên. Toàn bộ tiền đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chi phí tài trợ cho học phí đều do bà Đặng Thị Hoàng Yến và Tập đoàn Tân Tạo tài trợ”.
 
TTU cũng khẳng định, không có sai phạm trong vấn đề cấp bằng cho sinh viên cũng như việc tăng học phí trong năm học 2016-2017 như trong các đơn nêu. Ngoài ra, TTU cũng cho biết, trên thực tế, tại trường luôn có hiệu phó phụ trách chuyên môn. Hiện tại, TTU có 3 phó hiệu trưởng, trong đó TS. Michael Lộc Phạm là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và những vấn đề chuyên sâu về học thuật. Trên cơ sở đó TTU khẳng định: nội dung đơn nói TTU không có hiệu phó phụ trách chuyên môn là không đúng.
 
Văn bản 137 của TTU cũng khẳng định: “Ngay từ ngày đầu thành lập, TTU đã theo tôn chỉ là trường đại học phi lợi nhuận và đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, đã cấp hàng trăm suất học bổng cho sinh viên tài năng. Năm 2013, TTU được phép thành lập Trường THTP năng khiếu (TTS): TTU đã cấp học bổng 100% suốt 3 năm học cho các học sinh giỏi. Tập đoàn Tân Tạo đã liên tục nhiều năm liền trao giải thưởng Hoa Trạng Nguyên lên đến gần 10 tỷ đồng cho các học sinh, sinh viên xuất sắc của 63 tỉnh thành… Trường năng khiếu TTS là một trong số ít trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trúng tuyển vào đại học 100%”.
 
Làm việc với PV, Đại diện Ban Giám hiệu TTU khẳng định: “Với nhiều tình tiết mới nêu trên, có thể thấy, nhận định của TTU về việc có người giấu mặt đứng sau tố cáo gây xáo trộn hoạt động dạy và học của nhà trường là có cơ sở. Với hàng loạt các diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường giáo dục tại TTU, Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, sớm ổn định tình hình, đảm bảo quyền lợi học tập của sinh viên tại trường”.
 
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
 
PV
.