(BVPL) - “Từ xa tôi đã thấy một cô gái mặc bộ đồ trắng, đầu vấn khăn đỏ đứng ở trên cầu vẫy vẫy xe tôi. Tôi chưa kịp giảm ga thì bỗng dưng trên mặt cầu xuất hiện hàng chục cô gái khác quần áo trắng toát, mặt mày bê bết máu, cánh tay dài ngoẵng, nhảy múa. Bất chợt có ai đó đưa tay qua cửa buồng lái túm cổ áo tôi, đấm vào ngực, vào tim tôi… Thế là tôi không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi mới biết xe tôi bị lao xuống vực. Ma! Có ma thật, thưa đồng chí Kiểm sát viên”, người lái xe đầu tóc bơ phờ, mặt tái xanh như chưa hết cơn hoảng loạn. Vừa hí hoáy viết vào bản cung vừa run rẩy, thỉnh thoảng anh ta lại ngó nghiêng vẻ lo sợ như có ai đó đang rình rập.
- Anh cứ yên tâm, đây là trụ sở Viện kiểm sát, có chăng chỉ là con “ma men” đang nhảy múa trong đầu anh – nữ Kiểm sát viên Thu Hương nói với giọng hơi hài hước. Dẫu sao thì cũng đáng mừng vì anh ta vừa thoát chết. Chiếc xe của anh ta chồm qua lan can cầu, đổ kềnh xuống suối. Thế nào mà anh ta lại văng ra khỏi xe không thì bẹp gí như hai người ngồi trong ca bin cùng với những kiện hàng.
Mở biên bản sơ bộ khám nghiệm hiện trường ra, không thấy ghi người lái xe có uống rượu hay có mùi rượu, Thu Hương cảm thấy ân hận vì câu nói đùa vô lối của mình. May là hình như trong tâm trạng bất yên, anh ta đã bỏ ngoài tai. Vừa chân ướt chân ráo về cơ quan, Hương đã gặp vụ án “Ma”. Kể cũng ly kỳ thật, mà hình như năm nào đó trước khi Hương đi học cao học cũng đã xảy ra một vụ tai nạn trên cầu E! Kiểm tra lại trí nhớ của mình, Thu Hương vội đến tủ lục tìm ngăn hồ sơ các vụ án tai nạn giao thông. Chà, mới có mấy năm mà chiếc tủ đã đựng chật cứng hồ sơ loại án này. Tình hình trật tự giao thông xem ra có chiều nghiêm trọng, chỉ tại cầu E đã có tới trên chục hồ sơ vụ án.
Sáng chưa rõ mặt người, Thu Hương đã cùng tốp chiến sĩ cảnh sát giao thông lên xe đến hiện trường làm nhiệm vụ. Đêm qua, khi nhận được tin báo có tai nạn đổ xe, chết người tại cầu E, nhóm làm án giao thông gồm Công an, Kiểm sát đến nơi thì trời đã quá tối nên phần công việc khám nghiệm chưa được kỹ lưỡng. Theo thói quen nghề nghiệp, vừa xuống xe họ đã để mắt quan sát. Mới sớm tinh mơ mà đã có nhiều người túm tụm trên cầu xem chiếc xe đổ chỏng chơ dưới suối và kháo chuyện. Hai bên đầu cầu, ở sát vách núi đá, những miếu thờ dựng đơn sơ, mới có, cũ có khói nhang bay leo lét. Rõ ràng có nhiều tai nạn và nhiều người đã chết ở cầu E này, những miếu thờ kia minh chứng điều đó. Một ông già đi rừng, đầu trần, lưng đeo gùi, tay mang dao quắm với gương mặt thành thật đến ngây thơ đang kể với tốp người xúm quanh ông: “Ngày xưa, trong thời chiến tranh đánh cái thằng Mỹ, các cô gái thanh niên xung phong đã mở đoạn đường này cho xe ta vào sâu trong nớ. Các cô còn rất trẻ, chưa ai có chồng con. Bao lần thằng Mỹ đánh bom, bao lần chiếc cầu gỗ bắc tạm qua con suối không tên này bị sập không ai nhớ được, nhưng đêm nào cũng như đêm nào, đoàn xe chở đạn, chở gạo vẫn ỳ ầm nối đuôi nhau qua đây. Và mỗi sáng, từ đoạn đường này trở về lại thấy các cô gái trẻ khóc thút thít. Bà con nấu cơm và muối mè chuyển ra cho các cô ăn, có ngày thừa ra dăm bẩy nắm. Cô bác biết không, mỗi vắt cơm thừa ra là đã mất đi một người con gái… Có người bị bom Mỹ ném thân xác còn nguyên vẹn, được bà con chôn cất tử tế, nhưng cũng có người xương thịt nát tan, văng đi mỗi nơi một mảnh, dắt vào vách đá, trôi theo dòng suối không tên. Cầu này trước cũng không có tên, đến sau hòa bình anh em công nhân xây dựng cầu bê tông nghe chuyện về các cô đã đặt cái tên: Cầu E, có nghĩa là Em. Cầu các em đã hy sinh cho đất nước. Chắc có nỗi oan khuất, oán than gì đây, thỉnh thoảng các cô ấy lại hiện lên trên cầu gây tai nạn cho lái xe, rồi ngày hôm sau làm trời mưa gào, gió giập… Thôi! Xin các cô, các cô sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho bà con, cho khách qua đường bình an vô sự...”, ông già mếu máo, nước mắt rưng rưng. Ông với tay ra sau chiếc gùi lấy một bó nhang mang sẵn, tay run run châm lửa. Ông cẩn trọng cắm bó hương vào chân cột lan can cầu rồi rì rầm khấn vái. Cả tốp người đứng xem trên cầu chẳng ai bảo ai, họ cúi xuống lặng lẽ.
Thu Hương bàng hoàng khi nghe câu chuyện. Không ngờ sự việc lại dẫn dắt cô - một Kiểm sát viên trẻ, được đào tạo có hệ thống và có đầy đủ bản lĩnh đến một hoàn cảnh đặc biệt như vậy - sự kiện “Ma”. Câu chuyện về các cô gái thanh niên xung phong ngã xuống ở đây thì chắc chắn là không bịa, nhưng câu chuyện bóng ma hiện trên cầu thì sao? Về đến cơ quan, quên cả đói, Thu Hương lao vào phòng, đọc ngấu nghiến trên chục tập hồ sơ lưu về những vụ án tai nạn giao thông đã xảy ra trên cầu E. Trong số những người lái xe đã gây ra tại nạn ở đây, có những người đã mãn hạn tù, có người được hưởng án treo, có người đang trong trại giam và cũng có người đã chết, hoặc tàn tật. Theo lý lịch, họ đều là những người lái xe tốt có tay nghề cao và có người đã nhận bằng khen về thành tích lái xe an toàn.
Từ chồng hồ sơ im lặng trước mặt, Thu Hương đã lọc ra được một số điều: Tai nạn xảy ra hầu hết vào khoảng từ ba đến năm giờ chiều. Kết luận giám định kỹ thuật cho thấy, tình trạng máy móc thiết bị an toàn của các xe đã bị lật đều tốt. Lời khai trong bản cung của họ mỗi người một kiểu: Có người nhận thấy không làm chủ được tốc độ, có người khai bị trúng gió đột ngột, có người khai bị choáng nên không điều chỉnh được tay lái và cũng có người khai nhìn thấy chiếc cầu chao đảo, thấy các cô gái quần áo trắng mặt đầm đìa máu... Tất cả đều không có nguyên nhân chính đáng.
Xếp tập hồ sơ vào tủ, nhưng cái bóng ma - những cô gái mặc đồ trắng mặt mày bê bết máu, cánh tay dài ngoẵng cứ lờn vờn nhảy múa trong đầu Hương. Nhìn đồng hồ, Hương mới biết là đã ba giờ chiều. Đột nhiên cô nảy ra ý định: Hãy xuống mục kích tại cầu E lần nữa, giờ này “bóng ma” thường xuất hiện. Hương cùng hai chiến sĩ cảnh sát mang theo vũ khí và các thiết bị quan sát, phương tiện kỹ thuật vừa lên xe thì trời nổi giông bão và mưa. Như một sự trùng hợp: tất cả đều nhịn đói từ sáng, đều mệt rã rời, nhưng đều muốn tìm ra sự thật của vụ án. Họ vẫn đi. Tới khu vực cầu E trời chưa kịp tối. Chiếc xe giảm tốc độ lì rì bò... Qua tấm kính nhoè nhoẹt vì mưa, nhà “thám tử” nữ cùng hai trinh sát căng mắt ra nhìn. Chiếc cầu xi măng to, rộng gần chục mét với các cột lan can, cột tiêu màu trắng, đỉnh cột quét sơn đỏ đứng bình yên lặng lẽ đội mưa. Dòng suối không tên ào ào xối nước. Đoạn đường bên kia đầu cầu, vách núi đá vôi thường ngày trắng xoá nay sạm đen vì bị phủ một đám mây u ám. Gió hú lên từng cơn dội vào vách núi vang vọng não nùng. Một tảng đá lớn lăn cồng cộc từ sườn núi xuống lao huỵch trước đầu xe. Chiếc xe phanh kít, đứng khựng, mũi xe vừa đụng tảng đá. Người lái xe chưa kịp cài số lùi thì từ phía sau, đá lại ào ào từ trên núi lao xuống như bẫy đặt sẵn. Những người trong xe im lặng nín thở. Thu Hương thấy rợn người, ngực như muốn nổ tung. Chiếc xe u-oát lùi lách qua tảng đá rồi qua lại vài lần, có lúc dừng hẳn trên cầu để quan sát, nhưng họ không thấy một cô gái mặc đồ trắng, đội khăn đỏ nào vẫy xe, nhảy múa. Một chiến sỹ cảnh sát thốt lên:
- Có lẽ mấy bố lái xe nhà ta “nhìn gà hoá cuốc”. Mấy cái cột tiêu màu trắng đỉnh viền đỏ, các bố hoa mắt nhìn thành các cô gái áo trắng, khăn đỏ cũng nên.
Thu Hương khẽ gật đầu, giả thiết này cô đã đặt ra trong đầu ngay từ khi đến đây buổi sáng. Trời sập tối, họ ra về. Đói, lạnh, gió bão như níu chiếc xe lại. Họ còn tiếp tục gần chục cuộc hành trình tương tự vào các buổi chiều sau đó với hy vọng gặp “ma”, nhưng kết quả vẫn bằng không. Câu chuyện về những bóng ma trên cầu ngày càng được lan truyền. Có một vài lái xe không dám đi qua tuyến đường này nữa. Những cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống cho sự vinh quang của đất nước đang bị thêu dệt, đang bị tiếng oan.
Thu Hương và đồng nghiệp chỉ tạm đưa ra một giả thiết: có thể vào các buổi chiều nắng, mặt trời từ hướng Tây hắt nắng vào ngọn núi đá vôi phía bên kia cầu tạo thành chiếc gương phản chiếu. Đồng thời, dòng suối trong xanh dưới chân cầu cũng là chiếc gương phản chiếu hắt lên, từ đó tạo ra sự xung đột ánh sáng tương phản, gây ra những ảo ảnh, hàng cột tiêu trắng sơn đỏ trên chóp tạo thành những bóng ma. Những giả thiết này đã được kiểm nghiệm qua các chuyên gia về quang học. Các chuyên gia đã khẳng định: “Ở cầu E vấn đề về ảo ảnh cũng có thể xảy ra, nhưng chỉ là chút ít, chưa đến mức gây cho lái xe hoa mắt, thắt tim được”.
Cho đến một hôm, bất chợt nhớ lại câu chuyện ông già đi rừng đã kể ở cầu E, sau ngày xảy ra tai nạn: “Thỉnh thoảng các cô ấy lại hiện lên cầu gây tai nạn cho lái xe rồi ngày hôm sau làm trời mưa gào, gió giập”, Thu Hương bỗng chột dạ. Cái buổi chiều hôm sau, khi mình trở lại thị sát cầu E, trời chả mưa bão là gì? Phải chăng cái chốt của vấn đề là đây? Thu Hương mở sổ ghi lại đầy đủ ngày giờ các vụ lái xe gây tai nạn trên cầu E, rồi phi xe sang cơ quan khí tượng. Tại đây, cô nhận được kết quả không ngờ. Hầu hết các vụ tai nạn ở cầu E đều xảy ra trước cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới từ một đến hai ngày. Vậy cái gì xảy ra ở đó trước cơn bão? Có thể do một tác động nào đó của tự nhiên vùng tiểu khí hậu khu vực cầu E gây tác động đến người lái xe hoặc tác động vào phương tiện dẫn đến tai nạn giống như chuyện tam giác quỷ Béc-Mu-Da vậy. Trước cơn bão, phải chăng con người bị tác động bởi hạ âm. Đúng, hạ âm! Cái mẩu tin khoa học mà cô đã đọc được ở một tờ báo nào đó cách đây đã lâu. Thế là, khác hẳn với những nơm nớp của người dân trong mùa mưa bão, Thu Hương mong đợi sớm có bão về. Cái gì đến, đã đến. Đài truyền hình loan tin bão khẩn cấp. Thay vì chuẩn bị đề phòng, chuẩn bị trú bão thì Đoàn công tác liên ngành lại tất tả kéo nhau lên cầu E .Qua nghiên cứu, các chuyên gia địa chất, vật lý đã cho biết: ở vùng cầu E, trong lòng ngọn núi đá vôi kề sát có một loại nham thạch có tính năng khuyếch đại hạ âm lên với một tần số dữ dội. Tần số này trùng lặp với giao động của tim, não người, tạo nên sự choáng ngất hoặc hôn mê hoang tưởng.
Dắt chiếc xe máy ra khỏi cổng cơ quan, vừa bước lên, Thu Hương đã vội tụt xuống vì yên xe nóng bỏng như thanh sắt nướng. Phố phường thưa thớt ong ong nắng. Đợt nắng nóng kéo dài hơn tuần nay đã gây ra bao nhiêu chuyện, chết người có, hỏa hoạn có, lại còn cả chuyện đóng cửa trường học vì nắng nóng. Môi trường đang có những thay đổi nghiêm trọng. Vụ án tai nạn giao thông trên cầu E cũng có nguyên nhân từ việc phá hủy môi trường. Sáng nay, khi báo cáo kết thúc điều tra vụ án, Thu Hương đã dùng những lập luận và chứng cứ khoa học, chứng minh rằng các vụ tai nạn xảy ra trên cầu E đều có nguyên nhân khách quan là do “ảo ảnh” kết hợp sự phát ra đột ngột với tần số hạ âm cực mạnh trước cơn bão tại khu vực cầu E. Hệ quả là lái xe qua đây vào thời điểm này bị choáng, lâm vào tình trạng hoặc là hoang tưởng hoặc bất khả kháng, dẫn đến tai nạn. Thu Hương còn giải đáp được câu hỏi vì sao chỉ trong mấy năm gần đây, tại cầu E mới có hiện tượng “bóng ma”?. Nguyên nhân của nó là: mấy năm gần đây, nạn phá rừng, đánh mìn lấy đá nung vôi. Những vụ nổ mìn đã chấn động đến những kiến tạo của lòng núi đá nên bộc lộ những nham thạch có thuộc tính khuyếch đại hạ âm. Đỉnh núi màu xanh sẫm bị chặt cây, bóc đá để trơ ra những phiến đá trắng xoá như một tấm gương phản chiếu xuống dòng suối... Cô còn đề nghị xem xét lại toàn bộ các vụ án tai nạn giao thông trên cầu E gần đây để khôi phục lại các quyền lợi hợp pháp cho những người đã bị coi là bị cáo. Cô lên án về tình trạng tàn phá môi trường tự nhiên, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái. Bóng ma! Đúng! Chúng ta đang sống trong chập chờn đe dọa của những bóng ma, nhưng không phải của những người quá cố, không phải của những chiến sỹ đã hy sinh vì đất nước mà “bóng ma” do chính chúng ta đang tạo ra.
Nắng lắm mưa nhiều, Thu Hương linh cảm thấy sắp có mưa giông, bão giật ập đến. Mưa bão mấy năm nay thay đổi, chẳng theo quy luật. Cô quay vào xin bác bảo vệ chiếc dẻ ướt, lau mặt yên xe cho bớt nóng, rồi nổ máy, lao đi giữa trưa hè đốt lửa. Hai hàng cây bên đường có nửa phần thân gốc được quét vôi trắng cứ lấp lóa, lấp lóa như những cô gái mặc đồ trắng đang nhảy múa.
Truyện ngắn của Phạm Huỳnh Công