Với hơn 32.000 ca mắc, 81 trường hợp tử vong và tình hình bệnh còn diễn biến phức tạp, ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đang cân nhắc việc công bố dịch bệnh tay chân miệng.
Tại buổi họp triển khai công tác phòng chống dịch bệnh các tỉnh phía Nam tổ chức tại Viện Pasteur TP HCM hôm qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, tân Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định bệnh tay chân miệng hiện vẫn diễn biến phức tạp.
Việc công bố dịch theo Bộ trưởng sẽ giúp cả công tác dự phòng và điều trị thuận tiện hơn. Trong đó các bệnh viện tuyến dưới sẽ được quyền duyệt thuốc men và trang thiết bị để điều trị thay vì chuyển tuyến trên.
|
Chưa "hạ nhiệt", bệnh tay chân miệng lại chuẩn bị vào mùa cao điểm mới. Ảnh: Thiên Chương. |
Bà Tiến cũng cho biết, qua kiểm tra tại một số tỉnh, thực tế cho thấy việc phòng bệnh chưa thật sự được chú tâm. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rằng phòng bệnh hơn là tập trung chữa bệnh.
"Tôi cho rằng cần tuyên truyền tốt những hành động nhỏ nhưng rất hiệu quả như rửa tay thật sạch cho trẻ và người chăm trẻ, khử khuẩn đúng cách các vật dụng mà trẻ thường tiếp xúc", bà Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, trong những ngày tới Bộ sẽ tổ chức các đoàn đến 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam để kiểm tra việc tập huấn truyền thông, phòng dịch và điều trị.
Bà Tiến cũng chỉ đạo Viện Pasteur, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh nghiên cứu dịch tễ học để có thể đưa ra dự báo phòng, chống dịch kịp thời, nếu chủng virus có thay đổi.
Báo cáo Bộ Y tế, tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trong hơn 32.000 ca mắc của cả nước, thì TP HCM là địa phương có số ca bệnh tay chân miệng cao nhất với hơn 7.000 trường hợp, kế đến là Đồng Nai 3.413 ca và Đồng Tháp 2.015 ca.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cảnh báo, tuy ca bệnh có dấu hiệu giảm vào tuần giữa tháng 8 nhưng người dân không thể chủ quan vì theo dịch tễ học, bệnh có thể trở lại cao điểm vào tháng 9.
Thiên Chương (VnE)