(BVPL) - Giếng cổ (thuộc thôn 1, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được các nhà nghiên cứu khảo cổ của Bảo tàng Hà Tĩnh phát hiện trong quá trình nghiên cứu, khảo sát các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Giếng cổ thuộc làng Hữu Quyền, cách Quốc lộ 1A khoảng 1km, đi về hướng Đông, phía sau di tích lịch sử văn hóa Đền làng Hữu Quyền. Theo một số người dân địa phương thì giếng cổ này ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, khó lý giải…
 


Ông Minh còn cho biết: “Cái giếng này kỳ lạ lắm. Tui sống ở đây ngần ấy năm nhưng chưa bao giờ thấy giếng cạn. Vào mùa khô, giếng Chòm cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở các xã lân cận như: Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Tiến… Dù vậy nhưng giếng cổ này chưa bao giờ cạn, cho dù trời nắng hạn, tất cả các giếng khác trong làng đều cạn nhưng giếng Chòm vẫn đầy và trong vắt bởi mạch nước giếng ở dưới đáy lúc nào cũng tuôn trào. Điều kỳ lạ là nước chỉ dâng đến thành giếng rồi dừng lại chứ không bao giờ tràn ra ngoài”.

Ông Phan Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy cho biết: “Giếng Chòm là một giếng cổ đã tồn tại lâu đời và đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2011. Tôi cũng có nghe người dân kể về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chiếc giếng cổ Chòm. Nhưng những lời đồn đại đó theo tôi là không có cơ sở vì nhiều khi người dân thêu dệt lên rồi cứ qua miệng người này lại thêm bớt vào làm cho câu chuyện ly kỳ hơn và trở thành “tam sao thất bản”…

Nói về việc bảo tồn và gìn giữ giếng cổ, ông Minh chia sẻ: “Đây là báu vật mà ông trời ban tặng cho dân làng chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền có chính sách bảo vệ chiếc giếng cổ này”.

Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, đây có thể là một trong số giếng cổ mang đậm kỹ thuật xây cất giếng cổ của người Chăm Pa. Phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh từ thời Lý, Trần (thế kỷ X-XIV) là địa bàn giao thoa của nền văn hóa Chăm Pa và Đại Việt. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện một hệ thống giếng cổ mang yếu tố kỹ thuật Chăm Pa ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh…
 

Thanh Tâm

.