Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội Lam Kinh năm 2013  sẽ được tổ chức long trọng vào hồi 8 giờ ngày 26/9/2013 tại sân Chính Điện - Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa).

 


Ngoài phần nghi thức tế lễ theo nghi thức thời Hậu Lê, Lễ đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt sẽ được tổ chức theo nghi thức hiện đại, trang trọng, hoành tráng, thành kính và tôn nghiêm.

Chương trình nghệ thuật được sân khấu hóa tái hiện lại cuộc khởi nghĩa 10 năm chống quân Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, thể hiện những giá trị nổi bật về mặt kiến trúc và nghệ thuật của di tích Lam Kinh, tái hiện lại một số hoạt động văn hóa có ý nghĩa tôn kính tổ tiên và các chính sách về quản lý đất nước mang đậm dấu ấn của một số đời vua thời Lê; sự lan tỏa và tác động mạnh mẽ của hào khí Lam Sơn gần 600 năm qua trên quê hương Thanh Hóa.

Phần hội bao gồm các trò diễn múa hát dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh gắn liền với Lễ hội như: Múa Xuân Phả, Múa Rồng Xuân Lập (Thọ Xuân), Trò Chiềng (Yên Định), Trò Sanh Ngô, Trống Hội Phú Khê (Hoằng Hoá), Hát múa Đông Anh (Đông Sơn); Cồng chiêng (Ngọc Lặc), Hò Sông Mã (Câu Lạc bộ dân gian Hà Trung).

Ngoài ra, sẽ có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch diễn ra bên lề như: tổ chức trưng bày, giới thiệu các công trình, nghệ thuật kiến trúc thời Lê và các công trình kiến trúc của Lam Kinh; tổ chức chiếu phim phục vụ bà con tại xã Xuân Lam; tổ chức giao lưu các trò chơi, trò diễn dân gian và thi đấu các môn thể thao dân tộc; tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Xứ Thanh gắn với vùng Tây Đô - Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá thần Cẩm Lương, du lịch biển Sầm Sơn…

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiến Thụy  (huyện Ngọc Lặc), với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn là 200ha. Đây một địa danh lịch sử được Bộ Văn hóa – Thông tin nay là Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962.

Được xây dựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh. Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn. Lam Kinh, nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối.

Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) – vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà. Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt Nam nhìn ra sông – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.

Quần thể kiến trúc Lam Kinh hiện nay, có thể điểm một số công trình tiêu biểu như: Chính điện Lam Kinh, Thái miếu, Sân rồng, Đông trù, Tả vu, Hữu vu, Tây thất, Cầu Bạch, Hệ thống tường thành, Hồ Như Áng, kênh dẫn nước đập nhà Lê, hồ Tây, Núi Dầu, Lăng mộ Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng,  Lăng mộ Lê Thái Tông và Bia Hựu Lăng, Lăng mộ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao và bia Khôn Nguyên Chí Đức, Lăng mộ Lê Thánh Tông và Bia Chiêu lăng, Lăng mộ vua Lê Hiến Tông và Bia Dụ Lăng, Lăng mộ Lê Túc Tông và Bia Kính Lăng, Đền thờ vua Lê Thái Tổ...

Ngoài các kiến trúc kể trên, trong khu vực Lam Kinh còn có hệ thống công trình phụ trợ cùng nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học khác.

Tại Khu di tích, vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no hạnh phúc...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

Gần sáu thế kỷ đã trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh – nơi yên nghỉ của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ.
 

An Nhiên