(BVPL) - Một trong 3 kỷ vật được Nhà báo, Đại tá Đặng Vương Hưng trao lại cho Bảo tàng phụ nữ Việt Nam là tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Đây là một trong những kỷ vật có giá trị lịch sử rất lớn.
 
Nhà báo Đặng Vương Hùng trao kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nhà báo Đặng Vương Hưng trao kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 

Chiều 21/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Lễ tiếp nhận kỷ vật chiến tranh nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 đã diễn ra. Các kỷ vật chiến tranh này là của những chiến sĩ đã từng tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa thương binh trong cuộc kháng chiến của dân tộc. 

 

Người trao tặng các hiện vật cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là nhà văn, nhà báo, Đại tá Đặng Vương Hưng. Ông cũng là người khởi xướng và trực tiếp tham gia "Cuộc vận động Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân" trong những năm 2012 – 2015.
 

 

Nhà báo Đặng Vương Hùng trao cho Bảo tàng tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.
Nhà báo Đặng Vương Hưng trao cho Bảo tàng tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm.
 
Bằng tâm huyết, sự nỗ lực, kiên trì của một người lính đã từng tham gia chiến đấu, Nhà báo Đặng Vương Hưng đã có cơ duyên tiếp nhận nhiều tư liệu lịch sử vô giá từ trong và ngoài nước. Với sự yêu mến và tin tưởng đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ông đã trao tặng cho Bảo tàng một phần tài sản quý giá của mình.
 
Các kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gồm có: 
 
1. 01 tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm kèm theo phong bì có bút tích của ông Carl W. Greifzu - cựu chiến binh Mỹ, người đã lưu giữ Tập bản thảo trong suốt hơn 30 năm và trực tiếp giao lại cho nhà văn Đặng Vương Hưng. Bản thảo do bà Trần Thị Kim Dung, người vợ Việt Nam, quê Bắc Ninh của cựu binh Carl dịch trong thập niên 80 tại Mỹ, gồm 102 trang, được viết bằng bút chì trên hai mặt giấy, với nhiều nét chữ hiệu đính. Đây là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
 
Tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm
Tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm
 
2. 01 Lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay nhân kỷ niệm quân dân tỉnh Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2700 trên bầu trời Miền Bắc. Bà Hà Thị Quế tặng cho ông Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) là người cha của nhà văn Đặng Vương Hưng.
 
3. 20 lá thư của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sỹ Tạ Lưu gửi cho người yêu và sau này là vợ: y tá Cao Thị Nhu trong thời gian từ năm 1956 – 1972.
 
Lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay và 20 lá thư của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sỹ Tạ Lưu
Lọ hoa của bà Hà Thị Quế làm từ xác máy bay và 20 lá thư của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bác sỹ Tạ Lưu
 
Nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ: “Lý do ông chọn Bảo tàng Phụ Nữ là nơi trao tặng kỷ vật vì một trong số những kỷ vật là những bức thư của tình yêu, của đôi vợ chồng trẻ thời còn yêu nhau. Hơn nữa, tập bản thảo liên quan đến Đặng Thùy Trâm, tôi muốn trao lại để có thêm kỉ vật về nữ anh hùng này."
 
Nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ với báo chí về các kỷ vật
Nhà báo Đặng Vương Hưng chia sẻ với báo chí về các kỷ vật
 
Hiện tại, nội dung trưng bày Phụ nữ trong Lịch sử của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang giới thiệu về nhân vật Đặng Thùy Trâm, Hà Thị Quế và những lá thư thời chiến, vì thế, việc trao lại cho Bảo tàng sẽ làm cho những kỷ vật này càng có ý nghĩa hơn. 
 
Việc nhận thêm 3 kỷ vật chiến tranh qúy giá sẽ giúp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bổ sung và làm giàu thêm thông tin về những nhân vật thời chiến, từ đó mang đến nhiều giá trị lịch sử cho thế hệ Việt Nam hôm nay.
 
Minh Châu
.