(BVPL) - Ngày 1/1/2013 vừa qua, báo Quân khu 7 đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Ngày 1/1/1963 được lấy làm ngày truyền thống là bởi Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã quyết định lấy ngày báo Quân Giải Phóng (QGP), cơ quan của Quân ủy và Bộ Chỉ huy các LLVT giải phóng miền Nam ra số đầu tiên, để tri ân những chiến sĩ, nhà báo đã sống và chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.
 
Những “vị la hán rừng miền Đông”
 
Tờ báo Quân giải phóng ra đời trong thời điểm bão táp của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, trở thành lời tuyên thệ của thế hệ trẻ, những người yêu nước, tính chiến đấu, tiếng nói của các LLVT và nhân dân miền Nam thời ấy. Đội ngũ làm báo của Quân giải phóng cũng “đặc biệt”, đa phần là những chiến sĩ quen cầm súng hơn cầm bút, nhân dân thường gọi họ là “Vị la hán rừng miền Đông”, luôn bám sát bước chân chiến sĩ từ các chiến dịch nổi tiếng trên chiến khu D, Dương Minh Châu, đường 13 - Tàu Ô - Xóm Ruộng hay Long Khốt, Gò Da, Phước Long, Long Khánh…cam go, khốc liệt. Trong lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, nhiều cựu phóng viên Quân giải phóng đã tựu về ôn lại lịch sử hào hùng, kể về những ngày nằm gai nếm mật, phá đá, đào hầm... không khác bất cứ người lĩnh nào. Có một vị cựu phóng viên nói với tôi: “Chỉ khác chiến sĩ là ngoài cầm súng, chúng tôi còn mang theo bút, giấy và có khi là máy ảnh, máy quay...” rồi cười viên mãn.
 
Trung tướng Trần Đơn, Tổng tư lệnh Quân khu 7 trao tặng bức trướng cho báo- truyền hình quân khu
Trung tướng Trần Đơn, Tổng tư lệnh Quân khu 7 trao tặng bức trướng cho báo- truyền hình quân khu
 
Cũng kể từ ấy, báo Quân giải phóng đã đi theo từng bước tiến của dân tộc, qua những trận đánh khốc liệt nhất. Nhiều đợt tuyên truyền để lại ấn tượng trong lòng hàng triệu độc giả như: Chiến thắng Bình Giã, chiến dịch Mậu Thân, Nguyễn Huệ, chiến dịch Phước Long… Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, nhiều phóng viên, cán bộ báo Quân giải phóng đã có mặt ngay tại các điểm nóng của chiến trường, phản ánh chân thực, kịp thời diễn biến của cuộc chiến, tuyên truyền, cổ vũ đồng bào và các LLVT nhân dân trên khắp miền Nam anh dũng chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau tháng 4/1975, báo Quân giải phóng đã hoàn thành trách nhiệm với đất nước, non sông, thay đổi trong thời điểm Việt Nam bước sang trang sử mới.  Ngày hai miền hòa một, báo Quân giải phóng với Báo Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng và các cơ quan truyền thông quốc gia, tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ đến với đồng bào vùng mới giải phóng. Xuân 1976, báo Quân giải phóng ra số báo Xuân Bính Thìn, số báo Xuân đầu tiên chào đón mùa xuân độc lập đầu tiên, cũng là số báo cuối cùng trước khi Quân giải phóng hoàn thành xứ mệnh lịch sử. Những phóng viên của báo chuyển về Quân khu 7 để chuẩn bị ra số báo đầu tiên của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, ngày đó là tròn 1 năm kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1976.
 
Những lời tri ân
 
Kỷ niệm 50 năm thành lập, báo Quân khu 7 đón chào sự ghé thăm và chúc mừng của Trung tướng Trần Đơn, Tổng tư lệnh Quân khu 7, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, TBT Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Ngọc Niên, TBT báo Nhà báo & Công luận... và hàng trăm nhà báo, quan khách.  Cán bộ chiến sĩ Quân khu 7 và báo Quân khu 7 không dành nhiều thời gian để tự hào về chặng đường nửa thế kỷ đã chiến đấu và cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, mà dành nhiều tâm tư, tình cảm để gửi những lời tri ân đến những cán bộ, chiến sĩ, nhà báo đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Trên màn hình, hàng loạt tấm hình lưu niệm, những cái tên như Phạm Ngọc Châu, Trọng Hân, Nguyễn Nghiệm, Huỳnh Công Thu, Mỹ Dung, Bé Nghiệp… đã lần lượt được xướng lên, là những chiến sĩ cầm bút đã ngã xuống trước bom đạn quân thù, nhưng ngòi bút và trang viết của các anh còn sống mãi. 
 
Trong phút tri ân này, một bác cựu phóng viên báo Quân khu 7 kể với chúng tôi: “Đầu năm 1979, tôi cùng đồng nghiệp và các anh em chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia. Lúc này, tờ báo Quân khu thành tờ Tin Quân khu. Giai đoạn từ năm 1979- 1989, Tờ tin QK7 vừa làm công tác tuyên truyền cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển của LLVT quân khu, vừa làm công tác tuyên truyền cho nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nước bạn chiến đấu tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn pốt - Iêng Sary và xây dựng đất nước. 10 năm ấy, nhiều đồng nghiệp, đồng đội của tôi đã ngã xuống bởi mìn lá, mảnh đạn... nhưng chúng tôi mãn nguyện lắm, vì những ngày đó đã góp phần làm nên đất nước bạn độc lập, phồn vinh ngày hôm nay... Chúng tôi đã có mặt ở khắp các chiến trường, có khi phải chiến đấu với địch. Nhiều người đã ngã xuống, nhưng sự hi sinh ấy không hề vô nghĩa.”
 
Bác còn khẳng định rằng, có lẽ nhờ những trải nghiệm mà không phải ai cũng có được ấy, nhiều phóng viên báo Quân khu 7 đã trở thành lãnh đạo của nhiều tờ báo lớn, như đồng chí Đặng Văn Nhưng là TBT Báo QĐND, đồng chí Vũ Tuất Việt, Trần Thế Tuyển là TBT Báo SGGP, Phạm Sĩ Sáu là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM… Tôi hỏi: “Sao hồi ấy bác lại chọn làm phóng viên chiến trường?” thì nhân được lời chia sẻ: “Cái ngày mà cả thế hệ trẻ chúng tôi dàn hàng gánh đất nước trên vai, tôi với bè bạn khao khát khoác bộ đội cụ Hồ. Sau rồi, tôi thấy nếu chiến đấu, tôi sẽ giết được quân thù, nhưng tôi còn muốn kêu gọi đồng bào, thanh niên đứng lên, khích lệ tinh thần quân dân đấu tranh, thì đó cũng là một nỗ lực chiến đấu lớn lao, nên tôi cầm bút, lao vào cuộc chiến”...
 
Cuối chiều, trên sân khấu lúc này, chúng tôi nghe rõ từng lời của một bài phát biểu: “50 năm đã qua, ai còn ai mất, ai mái đầu xanh thở ấy giờ bạc trắng thời gian. Tự hào thay người lính làm báo miền Đông, vinh quang thay những người cầm bút mặt áo lính miền Đông, họ đã hòa mình vào cuộc trường trinh của dân tộc, với vũ khí là cả cây súng và cây bút, để chiến đấu, bảo vệ và gìn giữ non sông gấm vóc Việt Nam...” Quay sang nhìn đồng chí Ngô Xuân Giang, TBT báo Quân khu 7, ánh mắt ông không rời màn hình đang chiếu hình ảnh những chiến sĩ cầm bút và bàn tay nắm chặt. Tôi đoán là ông tưởng nhớ, dằn lời thề phát huy truyền thống Quân giải phóng ngày nào.
 
Hoàng Giang