Thời gian qua báo chí, truyền thông được ghi nhận là đã có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ pháp lý cho người dân.

 


Tại Hội thảo “Truyền thông và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người dân” do RED và Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp tổ chức, bà Nguyễn Thị Phỉ - người đại diện cho ngư dân Cần Giờ trong vụ việc bày tỏ, có được kết quả như vậy là nhờ sự ủng hộ từ phía báo chí. Báo chí đã đóng góp tiếng nói rất lớn giúp vụ việc giải quyết nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Còn bà Nguyễn Ngọc Lan - Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng đã đánh giá cao vai trò của truyền thông trong dự án “Tư vấn pháp luật miễn phí cho người khuyết tật Việt Nam”: Truyền thông có vai trò rất quan trọng, giúp truyền tải thông tin trợ giúp đến người khuyết tật, đưa các thông tin về dự án đến cộng đồng, đặc biệt là đường dây tư vấn miễn phí dành cho người khuyết tật. Những thông tin về dự án liên tục được cập nhật, là cầu nối đưa luật đến với người hưởng lợi và toàn thể cộng đồng; Kết nối Chính phủ và giúp nhà hoạch định chính sách hiểu hơn về nhu cầu thực tế của người khuyết tật và các đối tượng liên quan.

Còn Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng: “Báo chí, các phương tiện truyền thông, các tổ chức xã hội đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân và đánh giá của người dân về những chế định này ngày càng thay đổi tích cực trong những năm gần đây”. Cụ thể, đánh giá về vai trò, tác dụng của báo chí và phương tiện truyền thông trong việc bảo vệ quyền lợi người dân, qua hai cuộc khảo sát xã hội học: “Tiếp cận công lý tại Việt nam từ góc nhìn của người dân” nếu như năm 2003 có trung bình 79,3% những người được hỏi phản hồi là “quan trọng” thì tỷ lệ này tăng lên 91,3% vào 2010; Về khả năng gây ảnh hưởng của báo chí đối với việc giải quyết các khiếu nại của họ nhằm bảo vệ các quyền lợi hợp pháp khi bị xâm hại, năm 2003 có 64% ý kiến phản hồi xác nhận có ảnh hưởng “tích cực” hoặc “rất tích cực”, đến 2010, con số này là gần 83%.

Cũng theo Luật sư Lập, so sánh với các thiết chế hỗ trợ bảo vệ quyền lợi khác như Luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý của nhà nước ở các tỉnh, thành, các tổ chức chính trị - xã hội, kết quả khảo sát cho thấy, báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng đạt mức độ tín nhiệm và mức độ đánh giá tích cực cao nhất từ phía người dân. “Mặc dù báo chí không thể giải quyết được vấn đề mà người dân gặp phải nhưng báo chí có vai trò động viên tinh thần rất lớn, nói hộ nỗi lòng của người dân” - ông Lập cho biết thêm.

Tuy nhiên, nhà báo Đỗ Văn Khanh, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật- Ban bạn đọc báo Lao động cũng bày tỏ, một trong những khó khăn của công tác trợ giúp pháp lý cho bạn đọc là vấn đề nhân lực. Những vấn đề pháp lý của bạn đọc khi gửi đến Tòa soạn thường riêng lẻ, lại thuộc những loại tin, bài không mang tính thời sự và bên cạnh đó là tính chất phức tạp của hồ sơ, vụ việc... đòi hỏi người phóng viên xử lý phải có trình độ pháp luật, bản lĩnh và tốn nhiều công sức để làm sáng tỏ một vụ việc. Trong khi đó, tính chất bài vở lại không hấp dẫn, vị trí và nhuận bút không tương xứng với công sức của người điều tra. Chính vì vậy, rất ít nhà báo muốn làm bài điều tra, trợ giúp pháp lý cho bạn đọc, rất nhiều hồ sơ vụ việc khiếu nại, tố cáo của bạn đọc đành xếp “xó” ở các tòa soạn.

Qua thực tiễn, Nhà báo Đỗ Văn Khanh cũng kiến nghị, để công tác hỗ trợ pháp lý cho bạn đọc được tốt hơn, cơ quan quản lý báo chí cũng như các cấp chính quyền cần tôn trọng tiếng nói của báo chí. Thực tiễn cho thấy, có trường hợp cơ quan quản lý báo chí đã “nhắm mắt” làm theo yêu cầu của những đối tượng sai phạm gây khó khăn cho cơ quan báo chí, nhà báo. Ngoài ra, mỗi tờ báo cũng cần coi trọng hơn nữa công tác bạn đọc, đầu tư mọi mặt, cả về tài lực để có được những bài báo hay, điều tra sắc sảo, đưa những vấn đề tẻ nhạt thành những bài báo được dư luận quan tâm. “Ở một góc độ nào đó, thông tin bạn đọc lại giúp tạo ra những tin bài riêng độc quyền của tờ báo và nếu cơ quan báo chí làm tốt, bảo vệ được quyền lợi của bạn đọc sẽ tạo được sự tin yêu, quý trọng của bạn đọc và sự quan tâm của cấp chính quyền đối với tờ báo”- nhà báo Đỗ Văn Khanh chia sẻ.
 

Thanh Dịu