"Chúng ta nên quy hoạch những khu phố đèn đỏ. Nhưng thời điểm bây giờ mà đưa ra, chắc chắn chị em phụ nữ Việt Nam không chấp nhận điều đó, nó dễ gây phản cảm. Nhưng theo tôi cần có một biện pháp mềm dẻo, tế nhị nào đó để quản lý bằng pháp luật..." -  ĐBQH Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp đề xuất.

 
 
Nếu đưa họ vào cơ sở khám chữa bệnh là hạn chế sự tự do. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải áp dụng những biện pháp khác, ở đây là nâng cao mức xử phạt lên, và luật xử phạt hành chính vừa rồi đã nâng mức phạt lên gấp 5 lần theo hiện hành. Mức xử phạt hành vi bán dâm sẽ có Nghị định quy định sau.
 
Quyết định này cũng xuất phát từ thực tiễn bấy lâu nay cho thấy, việc đưa người bán dâm vào cơ sở khám chữa bệnh không có hiệu quả. Y học phát triển nên yếu tố phát bệnh không nhiều. Hơn nữa, sau khi vào cơ sở rồi khi ra họ vẫn hoạt động cho nên việc áp dụng mức phạt cao sẽ răn đe được cả người bán dâm và mua dâm.
 
PV: - Vậy mức xử phạt đó sẽ có tác dụng hiệu quả như thế nào trong việc ngăn ngừa mại dâm, thưa ông?
 
Ông Đỗ Văn Đương: - Có chứ. Mức phạt càng cao tính răn đe càng lớn. Không chỉ có luật về hành chính, mà còn luật khác điều chỉnh. Từ giáo dục pháp luật, các biện pháp kinh tế, sự lên án của báo chí, dư luận... Xử phạt hành chính là một trong những biện pháp được chính thức Nhà nước công khai để răn đe các đối tượng đó là chính.
 
PV: - Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, thu nhập bình quân mỗi tháng của gái mại dâm là 10,6 triệu đồng/tháng, đó là chưa tính đến các khoản thu nhập khác. Trong khi đó, theo mức xử phạt hiện hành người có hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, trường hợp bán dâm có tính chất đồi trụy mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ông có nghĩ rằng mức phạt đó chỉ là "gãi ngứa"?
 
Ông Đỗ Văn Đương: - Không, mức phạt đó sẽ tăng cao, đối với mức phạt gái mại dâm là 5 - 10 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng, sau này sẽ có quy định cụ thể. Còn ít nhất sẽ tăng gấp 5 lần mức phạt hiện tại.
 
Mức thu nhập của gái bán dâm như vậy cũng chỉ là số ít, còn những đối tượng bán dâm lặt vặt không có nhiều tiền đến thế. Theo tôi, ngoài quy định chung phạt từ 5 - 10 triệu đồng, đối với một số đối tượng bán dâm thu nhập cao từ 500-1.000 USD trở lên thì mức phạt phải là 200 triệu - 300 triệu, làm sao vượt qua ngưỡng thu nhập hàng tháng, hàng ngày, hàng năm mới có sức răn đe được, để cho họ thấy rằng hành vi của mình sẽ bị pháp luật răn đe rất nặng. Như vậy mới có ý nghĩa ngăn ngừa.
 
Nếu hình phạt thấp hơn mức thu nhập trái pháp luật của họ nó sẽ không có tính răn đe. Tùy từng hành vi cụ thể, thông qua việc bắt đối tượng bán dâm, giá tiền thu nhập của ngày đó, tháng đó, qua đấu tranh khai thác nếu mức thu nhập càng lớn thì mức xử phạt phải càng cao.
 
PV: - Một điều thường thấy là khi những vụ mua bán dâm được đưa ra ánh sáng, chỉ có người bán dâm bị công khai danh tính, còn những đối tượng mua dâm thì không. Ông có cho rằng điều đó quá thiệt thòi và bất bình đẳng với người bán dâm?
 
Ông Đỗ Văn Đương: - Người bán dâm bình thường đã có lợi ích, có thu nhập và được coi như một nghề vi phạm pháp luật. Nhưng người mua thì không phải là nghề, người ta có thể nhất thời đi và cũng không phải là thường xuyên. Bản thân họ mua dâm đã phải trả một số tiền rất lớn.
 
Thứ hai, những người bán cũng không vướng mắc gì về quan hệ gia đình, vợ chồng. Bây giờ công khai danh tính của những người mua thì nó lại xâm phạm đến những mối quan hệ khác như quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ, con cái. Nếu công khai, vợ chồng ly hôn, con cái ly tán cuối cùng xã hội phải gánh chịu những hậu quả ấy.
 
Cho nên, đối với những người mua dâm thực hiện công khai danh tính là không khả thi. Có lẽ cũng chọn hình thức phạt tiền thật cao, tương ứng với giá người mua dâm đó bỏ ra.
 
Ở các nước khác cũng vậy, trừ khi hạ thấp uy tín người khác với mục đích chính trị, kinh tế, quyền lực, tranh giành những vấn đề khác người ta sẽ công khai danh tính và số đó là rất ít, còn những công dân bình thường họ cũng không công khai hành vi mua dâm.
 
PV: - Nhiều người cũng vì cực chẳng đã mới bước chân vào con đường bán dâm phải chịu sự áp bức của chủ chứa, sự bóc lột tình dục và đôi khi bị coi là nô lệ tình dục. Theo ông, chúng ta có nên có những tổ chức hay hội để bảo vệ họ không?
 
Ông Đỗ Văn Đương: - Không, chúng ta không thể có những hội để bảo vệ họ được bởi chính họ đã đưa mình vào vòng tội lỗi. Họ có hành động chống lại xã hội và xã hội phải đưa pháp luật trừng phạt để duy trì trật tự thì làm sao có những hội bảo trợ đó được.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Theo Khải Nguyên 
Phunutoday
.