Nhà tôi nằm trên lối rẽ lên ngã ba Đồng Lộc nên bạn bè thường hay rủ rê lên đó. Lần này, Yến Thanh rủ tôi lên Đồng Lộc vào một ngày nắng gắt bất thường. Nắng như nung chín đất đai, thửa ruộng trước nhà bùn sôi bong bóng trên váng đất từng chùm, từng chùm. Gốc rạ như được luộc bằng nước sôi, bốc lên một mùi chua ngai ngái, như làng bún ngâm bột quá lâu, đi trên bờ, cái thứ mùi chua chua của rạ rơm đang ngấu cứ xoi vào mũi. Ngại lắm, nếu cứ phải ra đường. Nhưng với Yến Thanh, tháng bảy hàng năm, thể nào cũng phải lên Đồng Lộc.

 


Lên ngã ba Đồng Lộc thấy trời như xanh hơn, cao hơn và nắng. Nắng như đun sáp chảy, phết lên từng chùm lá thông nhọn sắc lấp loáng. Cả rừng thông Đồng Lộc cứ nhoáng nắng chói chang. Thăm thẳm một bầu trời thiêng cao vời, tinh khiết. Nắng dội xuống như thác trắng. Đứng trên ngã ba, giữa những ngày tháng bảy này ở Ngã ba Đồng Lộc, bên những tốp người hành hương thành kính, trong khói nhang bay, chợt thấy bừng lên trong lòng những nỗi niềm sâu thẳm. Như sống lại về một ngày xa…

Yến Thanh thầm thì bên tai: 45 năm rồi, nhanh quá. Cứ ngỡ mới như ngày hôm nao, gần lắm. Lại như thấy xa lắc xa lơ ở kiếp nào!...

Tôi dụi mắt, qua khói nhang, nhìn cho kỹ hơn Yến Thanh để thấy hiện lên cái anh kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Bính ngày nào. Năm 1965, tốt nghiệp trường Trung cấp Giao thông Thủy bộ Cầu Giấy, anh thanh niên Nguyễn Thanh Bính được điều về tuyến lửa Khu Bốn, cùng lăn lộn với tập thể TNXP, từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh. Anh gắn bó với TNXP ở Đồng Lộc, rồi cứ như là người Đồng Lộc thứ thiệt, kể từ cái buổi chiều định mệnh, 24 tháng 7 năm 1968, giặc ném bom sát hại 10 cô TNXP, Tiểu đội Võ thị Tần.  Chuyện bắt đầu từ việc tìm thi thể của một trong số 10 nữ TNXP anh hùng bị bom thù vùi lấp. Số là, khi phát hiện bom Mỹ sát hại Tiểu đội Võ Thị Tần thì mọi người đổ xô đào bới để mong cứu người. Nhưng cả tiểu đội đã hi sinh. Tìm mãi cũng chỉ thấy 9 thi thể. Thiếu Hồ Thị Cúc, Tiểu đội phó, người Sơn Bằng. Thanh Bính cũng trong những người tham gia tìm kiếm Hồ Thị Cúc hôm đó. Đã sang ngày thứ hai, 9 chiếc cáng bó phủ thi hài các cô gái Tiểu đội Võ Thị Tần vẫn nằm đó đợi Cúc. Nóng ruột lắm! Đau lòng lắm! Cho mãi đến khi Trưởng ban Đảm bảo Giao thông tỉnh - Trần Quang Đạt lệnh cho cơ quan Vật liệu Can Lộc phải đóng gấp 9 cỗ quan tài để khâm liệm thì ruột gan Bính như có lửa. Trong khắc khoải vô vọng, Thanh Bính lén ra phía sau vườn, mắt không dám nhìn về phía 9 cỗ cấp sự mà viết bài thơ “Cúc ơi”. Sau hai tiếng đồng hồ dập xóa, anh có được bài thơ. Chuyện này, anh kể đã nhiều, nhiều người đã biết. Nhưng có một điều bây giờ Thanh Bính mới kể cùng tôi, rằng anh không dám đọc bài thơ ấy vào lúc đó, khi làm lễ truy điệu.  Làm sao mà dám đưa chuyện thơ phú ra vào lúc này, khi khói bom còn chưa tan, đại tang đang trùm lên Tổng đội, anh chỉ nghĩ mình viết như người gọi hồn. Viết tựa như gọi Cúc về ăn cơm, em vừa ra đâu đó. Rồi Thanh Bính ra ngõ, miệng vẫn lẩm nhẩm đọc những câu thơ gọi Cúc về mà nghẹn đắng trong lòng. Bom rơi chiều 24, ngày 25 Thanh Bính đã hoàn thành bài thơ mà vẫn chưa tìm được Cúc. Sang đến ngày 26 mới tìm thấy Cúc trong một hầm tròn. Em ngồi đó, trên đầu đội nón, vai ôm cái cuốc. Như bao đồng đội, Thanh Bính nghẹn ngào, cắn chặt môi. Cúc ơi!

Thú thật, ngày đó, với chị em TNXP thì những người trai hậu tuyến như Nguyễn Thanh Bính là của hiếm, dân tếu táo thì gọi là mì chính cánh. Không quý làm sao được khi hầu hết trai tráng đã lên đường ra mặt trận, Thanh Bính lại là người lắm tài lẻ như biết viết nhiều câu đối đáp cho chị em đêm đêm ra mặt đường hò ví. Lại là thầy dạy bổ túc cho chị em. Rồi lại còn có hoa tay vẽ chim cò hoa lá cho các em thêu gối. Trong số 8 cán bộ kỹ thuật của Ty Giao thông Hà Tĩnh, phụ trách khu vực Đồng Lộc, duy nhất Thanh Bính là Trung cấp, số còn lại chỉ là Sơ cấp. Bởi thế, anh lại càng được cưng chiều, quý trọng. Cùng với những người trai hậu phương đang cùng chị em ngày đêm bám đường của Tổng đội TNXP 55, Thanh Bính và đồng sự như được vây giữa tình yêu. Một thứ tình trai gái trong lành nhất, thánh thiện nhất. Một thời mộng mơ, một thời quyết liệt.

Nguyễn Thanh Bính đã được sống những ngày hạnh phúc trong thời đoạn tinh thần lên ngôi như thế. Giữa trùng trùng những người em gái thanh tân, trẻ trung yêu đời, đêm ra đường vừa lấp hố bom, vừa lấy tiếng hát mà át tiếng bom. Ngày vừa tranh thủ học thêm, viết lá thư nhà, thêu thùa áo gối. Nhà gần ngay trong huyện mà Võ Thị Tần vẫn chăm viết thư nhà. Thư nào cũng đẫm tràn tình thương mến. Thư nào cũng dằng dặc những yêu thương. Đêm ra đường đương đầu với thần chết vẫn tinh nghịch hát hò, đối đáp.

Bài thơ Cúc ơi của Thanh Bính (sau này được tác giả ký bằng bút danh Yến Thanh) ra đời như một cơ may, mà nếu không phải là người đồng đội ở cùng thời điểm đó thì không thể nào có được. Biết tính nết tâm tình, cùng lao động, cùng sẻ chia những buồn vui trong đời, vừa cầm tay cười đùa cùng nhau mà nháy mắt, sau lại đã vô vọng bới đào tìm nhau trong khói bom và đất đỏ, làm sao mà không đau. “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/Cúc ơi!/Em ở đâu không về tập hợp?/Chín bạn đã quây quần đủ mặt/Nhỏ - Xuân -  Hà -Hường - Hợi - Rạng - Xuân – Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/Chỉ thiếu mình em/(Chín bỏ làm mười răng được!)…/Gối còn thêu dở/Cơm chiều chưa ăn/Ở đâu hỡi Cúc/Đồng đội tìm em, đũa găm cơm úp/Gọi em/Gào em/Khản cổ cả rồi, Cúc ơi! (Yến Thanh 25/7/1968) Không phải thơ, chưa là thơ, mới như tiếng hờ, tiếng nấc. Nhưng đó chính lại là thơ. Tác giả không dám đọc to. Phải sau 2 tháng, ngày 29 tháng 9 năm 1968 Thanh Bính mới được nghe nghệ sỹ Văn Thành đọc bài thơ của mình trên nền nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Bính thầm cảm ơn nhà thơ đàn anh cùng quê ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chắp cánh cho thơ mình. Tuy vậy, cũng phải đợi đến năm nhà thơ Bùi Quang Thanh, người của Ty Giao thông cũ, bạn của Thanh Bính, về làm Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, biên tập và cho đăng trên Tạp chí Hồng lĩnh, rồi Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì bài thơ “Cúc ơi” mới chính thức định hình. Và bút danh Yến Thanh bắt đầu được người đọc, người nghe biết đến. Nhiều người biết đến bài thơ hơn, khi biên kịch Nguyễn Quang Vinh đưa “Cúc ơi” vào bộ phim nhựa “Vầng trăng trinh nữ”, do Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn. Sau phim đổi tên chính thức là “Ngã ba Đồng Lộc”, thì tên tuổi Yến Thanh rộ lên. Cũng từ dạo ấy, Yến Thanh say sưa với thành công của bài thơ. Nhưng đỉnh điểm phải kể đến, ấy là từ khi nữ nhà báo, nhà thơ  Bùi Minh Huệ, hiện chị là Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh, cùng với chị Đặng Thị Yến, nguyên Phó Ban quản lý khu di tích Đồng Lộc, những người đã bỏ nhiều công sức tâm huyết cho việc sưu tầm di tích ở đây, đã xác định thời gian, tính xác thực của công tác bảo tàng mà đưa bài “Cúc ơi” vào trong lời truyết minh của hướng dẫn viên. Thế là từ dạo đó, bài thơ như một hiện vật tinh thần, đồng hành cùng các hướng dẫn viên ở khu di tích và thoát li khỏi tác giả. “Cúc ơi” đã có đời sống riêng của mình. Mặc tác giả có thể có lúc say sưa chếnh choáng với thành công. Khi tác giả bị cuộc đời thử thách chao đảo thì bài thơ vẫn như một vật chứng vững vàng về một thời đã qua. Như quy luật muôn đời, có khi tác giả phải đi qua mà bài thơ ở lại! Và nếu có ngã, thì vịn câu thơ mà đứng lên! Đã có những lúc, Yến Thanh chịu ơn bài thơ tìm đồng đội của mình, vì nó đã giúp anh đứng vững, thậm chí còn phải gắng sống sao cho xứng với đồng đội, với tác phẩm của mình.

Với Yến Thanh thì bài “Cúc ơi” đã cho anh một cơ hội thành công dân của ngã ba Đồng Lộc. Một vinh dự không dễ gì người cầm bút nào cũng có được.

Một vinh dự của người từng chiến đấu tại ngã ba anh hùng.

Cùng với Xuân Hoài, Huy Cận, Vương Trọng, Vũ Quần Phương, Duy Thảo, cùng với đông đảo các nhà thơ từ Bùi Quang Thanh, Nguyễn Trọng Tạo tới Nguyễn Ngọc Phú, những bài thơ về Đồng Lộc như một bản hợp tấu nhiều bè, thì “Cúc ơi” là một nốt trầm độc đáo. Một nốt trầm buồn có mặt  sớm nhất trong ngày bi thương đã 45 năm qua!

Hai chúng tôi lách một nhóm đông mới đến được trước mộ Hồ Thị Cúc. Cũng lại phải đợi một lúc mới có thể cắm được nhang, Yến Thanh khấn rành rẽ: “Cúc ơi! 45 năm rồi đó em. Anh đây, Thanh Bính, đồng đội cũ của em đây. Hôm nay anh lên thắp hương cho em. Em phù hộ cho bọn anh, em nhé! Mong cho em siêu thoát, trẻ mãi không già”.

Tôi cắn chặt môi. Ngước lên vòm thông trên đồi. Lá thông sàng nắng, lọt xuống từng chùm từng chùm, lại phải lọt qua khói nhang quẩn đặc vòm cây. Người lên đây đông quá. Chợt nhớ lời Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý Khu di tích: “Người lên Đồng Lộc mỗi năm một nhiều. Nhiều người lên đây không chỉ để thắp nén nhang cho Mười cô, mà có nhiều người lên như tìm về một địa chỉ tâm linh, một nơi trú ngụ. Anh em chúng tôi phục vụ không quản giờ giấc, không kể nắng mưa. Nắng như hôm nay chưa ăn thua.

Ngã ba Đồng Lộc nắng lắm! Mùa nắng năm nay chúng tôi cố gắng hoàn thành việc cải tạo cụm tượng đài và sẽ xây một đài phun nước. Tháng bảy, ngày giỗ các cô, ở đây sẽ  đẹp và mát…”.

Phải rồi, Yến Thanh khẽ thì thào bên tai tôi. Đẹp và mát sẽ là bầu sinh quyển ước mơ cho những ai muốn tìm đến đây để quên những chuyện đời bụi bặm, để nghe những đồi thông Đồng Lộc rì rào trong gió. Và gió sẽ kể chuyện những ngày qua, về Ngã ba Anh hùng, một thời đạn bom ác liệt. Ngã xuống nơi đây không chỉ có mười cô, một trăm hai mươi tư chiến sỹ cao xạ, mà còn hàng trăm người dân địa phương. Riêng ở xã Đồng Lộc, Thuỷ - vợ Phan Cao Kỳ bạn tôi, bom Mỹ sát hại một lúc ba thế hệ : ông bà nội, cha mẹ, một người chị, một người anh…!

 

Trần Đắc Túc