(BVPL) - Đây là phát biểu của PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân trong chương trình hành động của mình.

 

“Sự phát triển của TPHCM muốn có chữ nghĩa, chữ tình phải được xây dựng trên nền tảng của văn hóa, các sản phẩm muốn cạnh tranh được với các nước cũng phải dựa vào thế mạnh của địa phương và văn hóa địa phương”, PGS chia sẻ.

 

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi được Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tại TP.HCM giới thiệu ra ứng cử HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.

 

PGS tâm niệm: “Là một nhà Dân tộc học - Nhân học (DTH-NH), tôi luôn ý thức: mọi thứ đều được học từ dân và luôn tuân thủ nguyên tắc 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cộng đồng địa phương, nơi nghiên cứu. Đây là điểm mạnh của tôi và nhà DTH-NH khi tiếp xúc với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân; đóng vai trò trung gian tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương (từ thực tiễn, đề xuất chính sách; từ thực tiễn, điều chỉnh các chính sách nếu chưa phù hợp).

 

Muốn có “nghĩa, tình” phải xây dựng trên nền tảng văn hóa
Muốn có “nghĩa, tình” phải xây dựng trên nền tảng văn hóa

 

Hiện tại ngoài công việc chính là giảng dạy tại Khoa Nhân học - Đại học KHXH&NV TPHCM, PGS còn tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp trên những cương vị quan trọng như: Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan; Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ; Ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào, MTTQVN tại TP.HCM…

 

Với thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học xuất sắc cùng với những hoạt động ngoại giao của mình, PGS. Phan Thị Hồng Xuân đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ giáo dục và đào tạo, UBND TP.HCM, Liên hiệp các hội KHKTVN, Liên hiệp các Hội hữu nghị VN, Thành Đoàn TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM…

 

Với cương vị công tác của mình, PGS cam kết nếu được trúng cử , sẽ nỗ lực hoàn thành và phát huy vai trò nhiệm vụ, tập trung vào 5 vấn đề chính, lấy “Người dân và văn hóa” làm trung tâm.

 

Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về thể lực và trí lực đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM xây dựng nền kinh tế tri thức.

 

Hai là, làm cho người dân TP.HCM hiểu hơn về tầm quan trọng của ngành KHXH&NV đối với sự phát triển của thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình. TP.HCM muốn phát triển bền vững phải được xây dựng nền tảng văn hóa: văn hóa tiếp dân, giao thông, văn hóa kinh doanh nói không với thực phẩm bẩn, văn hóa bệnh viện… Quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội, người nghèo, người cao tuổi, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường…

 

Ba là, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tăng cường các chương trình khởi nghiệp.

 

Bốn là, nỗ lực xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân dựa trên 4 trụ cột: quản trị tốt; bảo tồn môi trường tự nhiên; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển kinh tế, xã hội bền vững, công bằng.

 

Cuối cùng là vai trò của phụ nữ, PGS cam kết sẽ có những đóng góp, đề xuất, kiến nghị thiết thực vào các chính sách bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình. PGS có ý kiến về sự cần thiết duy trì bữa cơm gia đình, tôn vinh những người phụ nữ có những đóng góp thiết thực cho xã hội thay vì chỉ tôn vinh nhan sắc.

 

Thanh Vy