Nhiều thành viên tự xưng là học sinh cấp 2, cấp 3 thường xuyên lên diễn đàn trên trang Facebook nói xấu, công kích lẫn nhau dẫn đến những xô xát ngoài đời. Có nhóm kéo nhau đến sân trường, đường phố để “nói chuyện”.
Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề và cần đưa ra lời cảnh báo về những tác động tiêu cực từ thế giới mạng, ngày 11/7, Nguyễn Thị Phương Trang (20 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), nạn nhân của một trang Facebook giấu mặt có tên “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Nẵng” đã gửi đơn nhờ Công an Đà Nẵng can thiệp. Trang Facebook này có những status với ngôn ngữ đầy kích động, như một nơi để mọi người có thể đăng ký thành viên và đăng đàn chửi bới, gây gổ, xúc phạm nhau.
Với tâm trạng buồn phiền, Trang tâm sự đang là sinh viên và là chủ shop quần áo thu hút một bộ phận bạn trẻ mua bán, trao đổi tại cửa hàng cũng như trên mạng. Bỗng dưng cách đây 3 ngày, bạn bè gọi điện thông báo có một trang Facebook đăng hai status viết về quá khứ của cô thu hút nhiều thành viên tham gia bình luận theo hướng gây gổ, xúc phạm.
Trang kể, khi còn là học sinh của trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), em bị một bạn học cùng trường lừa lấy mất chiếc xe điện. Sau khi nhờ cơ quan công an can thiệp, người này đã bị pháp luật xử lý, cô cũng được bồi thường thiệt hại. “Vụ việc xảy ra đã lâu, em không còn nhớ đến nó nữa nhưng tự nhiên người nào đó đã lợi dụng Facebook để viết những điều sai sự thật. Họ đưa cả em và gia đình ra bôi nhọ, lăng mạ với những lời lẽ xúc phạm nặng nề. Không những thế, nhiều người khác đã vào trong bài viết này bịa đặt nhiều chuyện khác riêng tư quanh đời sống của em với mục đích bêu xấu”, Trang bức xúc.
Theo giới thiệu của những người viết và người bình luận, hầu hết đều là học sinh, sinh viên nhưng ngôn ngữ không phù hợp với lứa tuổi. Không những thế, các bài viết đều nhắm đến một học sinh, sinh viên hoặc những gương mặt từng nổi bật trong thế giới học đường tại Đà Nẵng để chửi bới, nhục mạ và lôi kéo nhiều thành viên khác hùa theo. Trang Facebook này đã hoạt động trong thời gian rất dài.
Nhiều thành viên tự xưng là học sinh cấp 2, cấp 3 thường xuyên lên diễn đàn này nói xấu, công kích lẫn nhau dẫn đến những xô xát ngoài đời., thậm chí từng xảy ra việc các nhóm kéo nhau đến sân trường, đường phố để “nói chuyện”.
“Em biết những mặt trái của thế giới mạng nên lúc đầu không quan tâm đến chuyện này, nhưng rồi mỗi bài viết có đến hàng trăm người “like” và bình luận theo hướng tiêu cực. Thấy mọi việc ngày càng đi xa và nguy hiểm, em đã làm đơn nhờ cơ quan công an can thiệp. Mấy hôm nay thỉnh thoảng lại có một số khách hàng lạ mặt đến quậy shop quần áo của em”, Trang kể.
Bà Đỗ Thị Phương Tâm, mẹ của Phương Trang không giấu được sự bức xúc sau khi đọc những bài viết trên trang Facebook. Bà Tâm nói: “Tôi đã đọc và biết được những ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới ảo. Chuyện một đứa trẻ có thể nghĩ quẩn và đi đến những hành động dại dột chỉ vì những trò đùa trên mạng không còn xa lạ nữa. Nhưng lần này nạn nhân là con gái tôi, tôi mới thấy ảnh hưởng của những trò đùa này là hết sức nặng nề”.
Trung bình mỗi bài viết nói xấu, bình luận các vấn đề nhạy cảm đối với lứa tuổi học sinh đều có hàng trăm lượt truy cập và để lại lời bình. Hai bài viết mới đây bịa đặt những câu chuyện riêng tư của Trang đều có hàng trăm bình luận. Một số người đã vào để động viên, an ủi và mong em vượt qua chuyện không đáng quan tâm này nhưng nhiều người khác cùng nhau “đánh hội đồng” với lời lẽ thậm tệ.
“Em biết cây ngay không sợ chết đứng nhưng việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của em tại trường cũng như công việc kinh doanh. Hiện giờ em mong muốn cơ quan công an nhanh chóng vào cuộc điều tra vụ việc. Không chỉ bản thân, trong thời gian qua đã có rất nhiều học sinh gặp rắc rối vì trang Facebook này. Nó rất nguy hiểm cho nạn nhân cũng như người tham gia”, Trang tha thiết.
Chiều 11/7, thượng tá Trần Đình Mười, Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở đơn trình bày của Trang, cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc.
Theo Công an Đà Nẵng