40 năm vẫn “mới”...
Cập nhật lúc 22:06, Thứ sáu, 14/09/2018 (GMT+7)
Gần hai tuần nay, trong rất nhiều “điểm nóng” mà dư luận quan tâm nhất là vào thời điểm học sinh tựu trường, khai giảng năm học mới thì xuất hiện clip cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần tiếng Việt, hay clip học sinh đọc thơ theo “ô vuông, tròn, tam giác”… và từ những cách dạy “lạ” này đã bỗng chốc thổi bùng và trở thành một làn sóng kêu gọi “tẩy chay” sách “Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục” và chỉ trích cá nhân GS Hồ Ngọc Đại. Đặc biệt, có không ít người dùng những lời lẽ nặng nề để chửi bới một nhà khoa học đã trên 80 tuổi và một cuốn sách đã tồn tại 40 năm như thể nó vừa ra đời.
Chúng ta chưa vội bàn về đúng, sai của vấn đề mà chỉ xin bàn về “văn hóa tranh luận”. Nếu chúng ta bình tĩnh nhìn nhận vấn đề và tranh luận, phản biện một cách khoa học và có văn hóa thì có lẽ mọi chuyện sẽ không bị đẩy đi quá. Qua sự việc này, một lần nữa lại cho thấy tính hai mặt của thông tin trên mạng xã hội là vấn đề không hề đơn giản vì vậy cơ quan chức năng có thẩm quyền và cơ quan quản lý cần có những giải pháp cơ bản mang tầm chiến lược và có các biện pháp linh hoạt xử lý “tình huống có vấn đề” thì lúc đó mới có định hướng dư luận và tránh bị cá nhân, nhóm người nào đó vì một mục đích của họ để “trục lợi” thông qua phản ứng của dư luận. Chúng ta đều biết, rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội được mọi người quan tâm nhưng đặc biệt phải nói đến lĩnh vực giáo dục bởi sự ảnh hưởng của lĩnh vực này đến từng nhà, từng người, thì việc người dân quan tâm, tranh luận trước những vấn đề mới trong giáo dục là điều dễ hiểu. Chẳng vậy mà câu chuyện hàng trăm phụ huynh xếp hàng chờ đợi qua đêm và xô đổ cổng trường Thực nghiệm ở Hà Nội để mong cho con em mình có một suất vào học tại đây... Qua đó, những vấn đề liên quan đến giáo dục tất cả mọi người đều có quyền tranh luận và phản biện. Điều này có lợi cho giáo dục. Có tranh luận, phản biện thì giáo dục mới phát triển được.
Nhưng giáo dục chỉ phát triển, đổi mới khi đón nhận những tranh luận của người dân, nhà khoa học một cách có văn hóa, bằng những luận điểm khoa học, chứ không phải bằng những lời thô thiển. Những nhà tri thức tranh luận với nhau, thì càng cần có văn hóa, chứ không nên phản ứng một cách vội vàng trước cái mới, hay mạt sát lẫn nhau. Vì việc này không mang lại lợi ích gì cả. Việc chưa hiểu gì về cuốn sách đã vội vàng phán xét, chạy theo hội chứng đám đông để mạt sát những nhà khoa học nghiêm túc… là hành vi phản giáo dục.
Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết dư luận, phụ huynh nên bình tĩnh trước những cái mới trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là trong giáo dục và không nên vội vàng bài xích “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại.
Là người dốc toàn bộ tâm lực cho công trình của mình với mong muốn góp phần đưa nền giáo dục của nước nhà đủ khả năng hội nhập thế giới trong thời kỳ khoa học- công nghệ có những bước phát triển vượt bậc. Ông kiên trì theo đuổi chương trình này. Trong 40 năm ra đời và tồn tại, chương trình Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi, bởi nó chứa những quan điểm mới, ngược với suy nghĩ của số đông, nhưng GS Hồ Ngọc Đại thừa nhận, chưa lần nào tranh cãi lại “dữ dội” như lần này. Điều này cho dư luận thấy có “góc khuất” của sự việc và có quyền đặt câu hỏi, liệu có hay không việc “đánh hội đồng” này liên quan tới “lợi ích nhóm” của những người “kinh doanh giáo dục” không muốn bị “chia sân”, “chia bánh”...
Tranh luận và phản biện là điều cần thiết cho sự phát triển trong bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là giáo dục. Nhưng theo nhiều chuyên gia, ở nước ta vẫn thiếu văn hóa tranh luận. Thay vì góp ý, phản biện trên cơ sở khoa học và sự hiểu biết của mình, đám đông lại chọn cách lao vào “đánh hội đồng”, vùi dập những cái mới. Một điều cốt lõi hơn nữa là mọi tranh luận và phản biện của người lớn cần nhìn nhận và phải vì mục tiêu cao nhất, đó là đặt con trẻ - học sinh ở vị trí trung tâm. Việc người lớn tranh luận mà hậu quả con cháu mình “lãnh đủ” là điều không nên và đừng ai nghĩ tới. Để làm sáng tỏ và thực sự đem lại niềm tin cho các bậc phụ huynh nói riêng và xã hội thì cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, sớm có những đánh giá, kết luận rõ ràng. Với hiện tại, dư luận có quyền nghi ngờ về cuộc tranh luận “nóng bỏng” này là: Chương trình đã được nghiên cứu và đã tồn tại “thực nghiệm” 40 năm, sao lại gọi là mới?. Phải chăng đó là có sự “đụng chạm” tới “cái cũ” ?. Mà “cái cũ” không muốn và không cần đổi mới?!
H.C