(BVPL) - Nhiều điều thú vị xung quanh cuộc trò chuyện giữa phóng viên báo BVPL với Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC nhân dịp cả nước hướng về ngày lễ trọng đại 30/4.
Tư lệnh Hoàng Minh Thảo ngồi lắng nghe anh em chúng tôi trình bày rồi đặt ra một số tình huống yêu cầu chúng tôi giải đáp. Sau đó, Tư lệnh nhìn tôi và mọi người nói: “Trong chiến đấu, mỗi đơn vị, mỗi chiến sỹ, cán bộ, dù được giao làm nhiệm vụ gì thì trước hết phải làm công tác chuẩn bị thật tốt. Dù là đơn vị bộ binh, pháo binh, trinh sát, vận tải… thì mỗi người phải chuẩn bị rất kỹ càng, phải có sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ. Nếu nóng vội, chuẩn bị sơ sài, không nắm được tình hình của địch… thì chắc chắn dẫn đến thất bại”. Chính từ những lời chỉ dạy đó của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo mà sau này, khi chỉ huy Đại đội, tôi đã quán triệt cho mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị là, bước vào trận đánh, công tác chuẩn bị được đặt lên hàng đầu.
Phóng viên: Được gần gũi với Thượng tướng, ông cảm nhận được điều gì từ Thượng tướng, thưa ông?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Trong quãng thời gian tập huấn tôi được diện kiến Tư lệnh nhiều lần. Có lần, tôi và mấy anh em được ông gọi tới hầm chỉ huy của Tư lệnh để nói chuyện. Tới đây, tôi mới thấy rằng, bên cạnh bộn bề những lo toan của công việc nhà binh hàng ngày, Tư lệnh vẫn tranh thủ dành thời gian chăm chút cho cây cối, cũng như những con vật nuôi xung quanh mình. Có một điều đặc biệt nữa ở Thượng tướng là trong căn phòng làm việc của ông tuy nhỏ nhưng bày rất nhiều sách, báo quân sự. Trong đó có các cuốn về mưu lược quân sự của Tôn Tử, các sách binh lược lịch sử của nhiều triều đại trên thế giới và Việt Nam… Người trợ lý của Tư lệnh “bật mí” cho chúng tôi, hễ rảnh rỗi lúc nào là Tư lệnh lại đọc sách. Sách đối với ông là “món ăn” hàng này không thể thiếu được. Sau này tìm hiểu tôi được biết, ông là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang học Trường quân sự Hoàng Phố Trung Quốc từ rất sớm. Nhờ tri thức tiếp nhận tại trường cùng sự chăm chỉ nghiên cứu, học hỏi qua thực tế nên Tư lệnh có trí thức rất uyên bác về mưu lược quân sự. Sau này, có người gọi ông là “bộ óc mưu lược của quân đội ta”.
Trong chiến dịch Mùa xuân năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương rất đồng tình với đề xuất của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo về việc mở mặt trận đầu tiên tại Tây Nguyên. Sau khi cấp trên nhất trí với phương án đánh Tây Nguyên, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã vận dụng tri thức mưu lược để mở chiến dịch đánh chiếm Buôn Mê Thuột. Do tài khéo léo nghi binh nên chiến dịch Tây Nguyên do Tư lệnh chỉ huy đã làm cho quân ngụy bất ngờ từ chiến thuật đến chiến lược, khiến chúng thất bại hoàn toàn.
Nếu nói cảm nhận điều gì ấn tượng nhất về Thượng tướng Hoàng Minh Thảo phải nói trước hết là tinh thần ham mê đọc sách, tự học, tự nghiên cứu. Làm bất cứ nhiệm vụ gì cũng phải làm chủ khoa học. Theo Tư lệnh, khoa học không chỉ trong sách vở mà ở ngay hiện thực công tác thực tiễn.
Phóng viên: Dường như có một mối nhân duyên kỳ lạ giữa ông với nhân vật huyền thoại Tạ Đình Đề và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo mà ít người biết đến, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Đúng là giữa tôi và Tạ Đình Đề có mối nhân duyên kỳ lạ. Tạ Đình Đề là người lính thời chống Pháp dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Còn tôi là lính chống Mỹ dưới dự chỉ huy của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Vì thế sau này, chúng tôi thường hay có dịp gặp nhau tại chính tư dinh của Thượng tướng, để hàn huyên, trở thành mối tâm giao thân thiết giữa những người lính Cụ Hồ.
Khi nói đến mối quan hệ của những người lính, tôi nhớ một kỷ niệm rất đặc biệt. Một hôm, Giáo sư, Thượng tướng gọi điện cho tôi bảo: “Tớ với cậu đến thăm Tạ Đình Đề đi, ông ấy yếu lắm chắc khó qua khỏi”.Vậy là tôi cùng Giáo sư, Thượng tướng tức tốc tới thăm Tạ Đình Đề. Thời điểm chúng tôi tới nơi, thì toàn thân Tạ Đình Đề đã lạnh gần hết, nói câu được câu chăng, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh. Chúng tôi xoa bóp tay cho ông, Tạ Đình Đề quay sang tâm sự với Giáo sư, Thượng tướng: “Tôi đã có đơn đề nghị cấp trên xem xét về Huân chương Độc lập cho những người tiền khởi nghĩa. Theo chính sách thì nhiều người như tôi đã được, còn tôi thì chưa. Nhờ các anh quan tâm giúp đỡ, kẻo thiệt thòi. Giáo sư, Thượng tướng gật đầu và hứa sẽ tác động giải quyết”. (Năm 2008, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Tạ Đình Đề Huân chương Độc lập hạng Ba).
Sau đó, Tạ Đình Đề quay sang tôi: “Trước đây, tôi có đề nghị Nhà nước bồi thường vì bị bắt giam oan hơn 44 tháng. Nhưng nay tôi nghĩ, cái đó là do năng lực trình độ của cán bộ tư pháp, cũng như do hoàn cảnh khách quan của cơ chế cả thôi, chứ không phải do thù oán, ghét bỏ gì tôi mà họ làm sai. Cho nên giờ tôi xin rút không yêu cầu đền bù gì cả”. Nghe ông nói, tôi thật xúc động. Trước đây, ông từng bao dung cưu mang, che chở cho biết bao nhiêu người và rèn luyện họ trở thành những người tài trong xã hội như: Nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ, Nhạc sĩ tài ba Phan Lạc Hoa... Đến bây giờ, sắp từ giã cõi đời này, ông vẫn là người có nhân cách cao thượng: Không thù hằn ai mà luôn toát lên tấm lòng vị tha, nhân ái. Giáo sư, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và Tạ Đình Đề - trong mắt tôi vẫn luôn là những người Cộng sản chân chính.
Phóng viên: Là người từng nhiều lần tháp tùng Thượng tướng tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đứng giữa 2 vị Tướng vĩ đại như vậy ông cảm thấy như thế nào?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu: Thực sự đó là niềm vinh hạnh lớn nhất của đời tôi. Thực sự đứng trước 2 vị Tướng vĩ đại của dân tộc, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Nhân cách, đạo đức, tài năng và trí tuệ, cũng như sự hy sinh to lớn của 2 vị Tướng thật đáng để cả nước tôn sùng là những vị Anh hùng dân tộc, những vị Thánh nhân xuất chúng .
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ! Kính chúc ông luôn mạnh khỏe.
Đức Sơn (Thực hiện)