Xét tuyển tập trung: Chờ câu trả lời chính thức từ Bộ GD&ĐT.
Cập nhật lúc 14:53, Thứ ba, 17/05/2016 (GMT+7)
Sau khi có thông tin cả nước sẽ xét tuyển tập trung thành một nhóm lớn, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, trong khi Bộ GD&ĐT chưa có văn bản cụ thể để định hướng các trường. Chính vì vậy, các trường đều đang mong chờ câu trả lời chính thức từ phía Bộ GD&ĐT. (phụ huynh, Bộ GD&ĐT, lo lắng, thí sinh, xét tuyển tập trung)
Sau khi có thông tin cả nước sẽ xét tuyển tập trung thành một nhóm lớn, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, trong khi Bộ GD&ĐT chưa có văn bản cụ thể để định hướng các trường. Chính vì vậy, các trường đều đang mong chờ câu trả lời chính thức từ phía Bộ GD&ĐT.
Phụ huynh lo
Chị Hoàng Thị Ngọc, đang có con học lớp 12 tại trường THPT dân lập Ý Yên, Nam Định cho biết, mấy hôm nay thấy dư luận bàn về việc sẽ có thay đổi trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên cũng thấy lo lo. “Tôi chưa hiểu đầu đuôi thế nào, nhưng cứ nghĩ đến thay đổi là lại lo. Năm trước cũng thay đổi, rồi thấy thí sinh, phụ huynh như chơi chứng khoán. Năm nay lại thay đổi” - chị Ngọc băn khoăn.
Chị Trần Thị Tâm ở Hà Nội cũng không khỏi băn khoăn nhưng chị và chồng thống nhất chỉ chia sẻ trên điện thoại qua tin nhắn, về nhà không bàn tán để con tập trung ôn thi. “Tôi ở cửa hàng cả ngày, cũng không có thời gian nắm tin tức. Mấy hôm nay ông xã có nhắn tin nói kỳ xét tuyển sinh vào ĐH sắp tới của con có thể sẽ có thay đổi. Tôi cũng không hiểu rõ lắm” - chị Tâm đề nghị.
Ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường THCS&THPT Marie Curie Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT thay đổi phương thức xét tuyển ĐH, CĐ chưa tác động đến tâm lý thí sinh. Vì đang là thời gian cao điểm để các em tổng kết năm học và tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia.
Các trường vẫn đang đợi
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhóm GX (gồm 11 trường ĐH khu vực Hà Nội) trước đó được Bộ đồng ý cho tuyển sinh theo nhóm. Tuy nhiên, vừa qua, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh có lên báo cho biết cả nước sẽ xét tuyển thành một nhóm. Chính vì vậy, với cương vị là “trưởng nhóm”, ĐH Bách khoa lặng lẽ gửi email đến các trường trong nhóm để “chia tay nhau”. “Tôi cũng đồng ý với chủ trương của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, Bộ đã ký đồng ý cho nhóm GX chúng tôi được tuyển sinh theo nhóm, giờ Bộ không muốn thì Bộ cũng phải có văn bản “đình chỉ”. Nhưng đến giờ, chúng tôi vẫn chưa thấy văn bản nào của Bộ được ban ra” - ông Điền cho hay.
Theo ông Điền, xét theo hình thức nào thì ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tuyển sinh được. “Thực ra, chúng tôi rơi vào thế để cũng được (nhóm GX - PV) và không để cũng không sao” - ông Điền chia sẻ. Mặt khác, ông Điền cũng khẳng định việc cả nước thành một nhóm khó tránh ảo. Nên Bộ cần ủng hộ các nhóm nhỏ. “Tôi nghĩ vấn đề không phải ở phần mềm. Vì chúng tôi cũng có phần mềm” - ông Điền cho biết.
Còn theo ông Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho đến giờ, ĐH Đà Nẵng vẫn đang chờ Bộ phê duyệt phương án tuyển sinh theo nhóm của trường. Trường vẫn chưa nhận được lại phương án cũng như chưa nhận được phương án tuyển sinh khác của Bộ GD&ĐT. Đại diện một trường khác trong nhóm GX thì cho rằng, trường sẽ không có ý kiến gì cho đến khi nhận được văn bản chính thức của Bộ.
Trong khi đó, dư luận cũng vẫn băn khoăn và hoang mang. Bài học năm 2015 vẫn còn đó. Khi công bố điểm, lúc đầu, Bộ định “độc quyền” nhưng sát đến ngày thí sinh biết điểm, Bộ phải “chia thành các gói” nhỏ cho 8 trường ĐH công bố cùng.
Tuy nhiên, cuối cùng mạng của Bộ và mạng của các trường vẫn “chết” lâm sàng vài tiếng đồng hồ. Khi xét tuyển, cũng vì chủ trương quá ưu ái cho thí sinh mà xét tuyển nguyện vọng 1 những ngày cuối, phụ huynh và thí sinh bỗng như “chơi chứng khoán”.
Theo Tiền phong
.