Theo đó, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục là hai đại diện của Việt Nam góp mặt trong top 1000. Trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia TP.HCM đứng top 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng top 801-1000. Đây là lần thứ hai Việt Nam có đại diện lọt top 1000 thế giới do QS đánh giá.

leftcenterrightdel
Việt Nam tiếp tục có hai đại học lọt top 1000 thế giới 

QS World xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, gồm: Danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), và sinh viên quốc tế (5%).

Tiêu chí Danh tiếng học thuật của Đại học Quốc gia TP.HCM (chiếm trọng số cao nhất của bảng xếp hạng) tăng 70 bậc xếp hạng 427.

Năm nay, vị trí trong top 10 không có nhiều biến động. Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ tiếp tục giữ vị trí thứ nhất. Hai trường giữ vị trí tiếp theo là Đại học Stanford và Đại học Harvard.

Singapore cũng là quốc gia châu Á đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này với hai đại diện. Cụ thể, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang đều giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng.

Trung Quốc cũng có 42 đại học lọt vào top 1000 thế giới, trong đó Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp  thứ hạng cao nhất là 16. Australia có 35 trường đại học lọt top 1000 thế giới, trong đó Đại học quốc gia Úc xếp thứ hạng cao nhất là 29.

QS World ra đời vào năm 2004, đến nay là năm thứ 16 bảng xếp hạng đại học của tổ chức này được công bố.

Tuệ Anh