Trước phản ứng của nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) vì có quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2014, mới đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) Bùi Anh Tuấn khẳng định: Đây không hề là quyết định đột ngột, mà hoàn toàn là một quá trình rà soát, kiểm tra mang tính tổng thể và có tính đến những ngành đào tạo đặc thù.
 
 
Cơ sở để đưa ra kết luận về các ngành bị đình chỉ tuyển sinh là gì, thưa ông?
 
- Việc kiểm tra, rà soát đảm bảo chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên (GV) các cấp là việc làm được Bộ GDĐT thường xuyên triển khai. Bộ đã rà soát đối với việc đào tạo tiến sĩ năm 2010, đối với thạc sĩ năm 2012 và đối với đào tạo ĐH năm 2013. Năm 2014, bộ sẽ tiếp tục rà soát với các trường ĐH còn lại.
 
Bộ GDĐT yêu cầu nhà trường báo cáo thống kê theo mẫu quy định. Số liệu báo cáo thống kê về GV chính là căn cứ quan trọng nhất để chúng tôi rà soát. Nếu các trường thấy số liệu báo cáo chưa chuẩn thì có thể báo cáo lại. Một số ý kiến của các trường cho rằng báo cáo sai, nhầm, thậm chí họ nói không phải là báo cáo của trường mình. Nhưng khi tôi đưa bản báo cáo để xem lại thì đúng là báo cáo từ chính các trường.
 
Nhưng các trường có sự phản ứng khá gay gắt về quyết định đình chỉ trên của Bộ GDĐT, thưa ông?
 
- Chúng tôi biết điều đó. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không đi sâu vào tranh cãi việc này. Mục tiêu của việc rà soát và đình chỉ các ngành dừng tuyển sinh do không đủ GV cơ hữu chính là để các nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ GV. Còn các trường thấy rằng nếu báo cáo chưa đúng thì Bộ GDĐT sẵn sàng tiếp nhận giải trình và yêu cầu nhà trường có báo cáo cụ thể.
 
Có những ngành rất đặc thù (như về nghệ thuật, sân khấu điện ảnh...) cho rằng bị dừng tuyển sinh với lý do không thể tìm được tiến sĩ để đào tạo. Liệu Bộ GDĐT có quá máy móc với quyết định này?
 
- Tôi rất chia sẻ với các thầy hiệu trưởng những trường trên. Thực tế, Bộ GDĐT rất khuyến khích nhà trường mời thầy, cô giáo là nhà quản lý, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các doanh nhân... về giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhưng quy định mỗi ngành đào tạo phải có ít nhất 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ vẫn là mức tối thiểu. Bất cứ ngành nào cũng vẫn cần người có học hàm học vị để có định hướng trong đào tạo cử nhân.
 
Khi xử lý những vấn đề trên, bao giờ chúng tôi cũng tính đến yếu tố đặc thù. Với những ngành không có tiến sĩ, có thể thay thế bằng 5 thạc sĩ. Ngành nghề đào tạo là mang tính phát triển chứ không cố định. Khi xem xét, có thể xem xét những ngành gần đó, hoặc những đề tài công trình nghiên cứu về ngành đó để tham gia phát triển ngành. Tôi cho rằng trong quá trình triển khai, có nhiều cách hiểu khá máy móc nhưng lại thiếu quan điểm phát triển.
 
Các nhà trường phải xem xét lại, báo cáo lại và làm việc cụ thể với Vụ Giáo dục đại học để có cách nhìn nhận đúng. Ở trường Sân khấu điện ảnh đã đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Những tiến sĩ không phải đúng ngành đấy nhưng có thể là ngành gần, các thầy có tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực đấy thì vẫn đủ điều kiện để tham gia đào tạo ngành.
 
Vậy với các học sinh chuẩn bị thi đại học muốn lựa chọn ngành đã bị đình chỉ thì sao, thưa ông?
 
- Một ngành đào tạo có nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Các trường ĐH lớn đều đào tạo đa ngành nghề. Thông tin chúng tôi đưa ra cho các em trước mùa tuyển sinh cũng giúp học sinh có căn cứ quyết tâm thi vào một trường nào đó một cách rõ ràng hơn. Đây là những thông tin các em phải biết và có quyền được biết! Chắc chắn những thông tin này sẽ được thông báo một cách công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, website của Bộ GDĐT và cả sách hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2014.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Theo Lao động
.