Việc văn học thiếu nhi Việt Nam rất ít tác phẩm mới đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, ít người đề cập đến vai trò của độc giả trong việc thúc đẩy nhà văn sáng tác.



Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để văn học thiếu nhi trong nước khởi sắc, bên cạnh sự nỗ lực của giới cầm bút, các đơn vị làm sách, sự ủng hộ của bạn đọc là một yếu tố quan trọng. Trước hết, nhà trường, gia đình nên khuyến khích các em nhỏ đọc sách văn học thiếu nhi thay vì chỉ đọc truyện tranh thiên về giải trí, trong đó có những tác phẩm nặng tính bạo lực, hình minh họa và lời văn không phù hợp. Hơn nữa, chính tác phẩm văn học sẽ nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Những ai đã từng theo chân cậu bé An (nhân vật chính của Đất rừng phương Nam) phiêu bạt khắp miền “mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh” chắc hẳn sẽ không thể nào quên những trang sách miêu tả cảnh câu rắn, bắt cá sấu, nuôi ong lấy mật trong rừng hay cảnh An và cha nuôi chạm trán với hổ. Và chắc hẳn cũng không quên được tình người đơn sơ, giản dị cùng tính hào sảng, trọng nghĩa khí của người phương Nam. Những người đã đọc Quê nội của Võ Quảng sẽ thấy cuộc phiêu lưu của 2 cậu bé Cục và Cù Lao ở làng Hòa Phước, Quảng Nam hấp dẫn, sinh động không kém những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer và Huckleberry Finn trong tác phẩm Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Tawin (Mỹ)...

Chuyện văn học thiếu nhi Việt kém khởi sắc không có gì mới và cũng không thể thay đổi trong thời gian ngắn, hơn ai hết chính người đọc cần gạn đục khơi trong, chọn lựa cho mình những tác phẩm phù hợp.

 

Theo Báo Khánh Hòa

.