Tỷ lệ chọi thấp hơn năm trước ở hầu hết các trường, từ trường top cao đến trường top thấp.
 

 

Những năm trước, sau báo điểm và tuyển sinh đợt 1, nhiều trường ngơ ngác với câu hỏi: thí sinh đi đâu khi họ khó lòng tuyển đủ người học. Tuy nhiên, năm nay, không ít nhà tuyển sinh đã đặt ngay câu hỏi này và đang tìm cách lý giải.

Tỷ lệ chọi giảm

Nhận định về mùa tuyển sinh 2014, ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên nói: năm nay tình hình tuyển sinh sẽ còn khó khăn hơn.

Đến nay, ĐHQG Hà Nội nhận được số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) là hơn 20.000 và theo ông Vũ Viết Bình, Phó Ban đào tạo của ĐH này, số lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 25% so với năm trước với các con số cụ thể: các khối A, B, A1 có gần 10.000 hồ sơ; khối D: hơn 8.000 hồ sơ và số hồ sơ khối C năm nay chỉ có 4.100 (ít hơn năm trước khoảng 2.000 bộ). Chỉ tiêu chung của ĐHQG Hà Nội là 5.630. Tỷ lệ chọi tại ĐHQG Hà Nội đã giảm đáng kể.

ĐHQG TPHCM cũng thu nhận được 53.802 hồ sơ, giảm hơn năm trước 19% và chỉ tiêu chung của ĐH này là 12.650. ĐH Thương mại mấy năm trước nhận được số lượng hồ sơ “khủng” với các con số 30.000 đến 40.000 hồ sơ.

Năm nay, trường chỉ nhận được khoảng 17.000, giảm 3.000 so với năm 2013. Chỉ tiêu vào trường này là 3.700. ĐH Thái Nguyên nhận được 40.000 hồ sơ, giảm hơn 10.000 bộ so với năm trước và nhận khoảng 12.000 người học. Nhìn chung, các trường đều báo cáo số hồ sơ đăng ký dự thi giảm.

Bối rối tìm thí sinh

Khá nhiều trường bối rối với câu hỏi: thí sinh đi đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Viết Bình, Phó Ban đào tạo ĐHQG Hà Nội nói: Có lẽ là do năm nay có 63 trường thi tuyển sinh riêng, không tham gia ba chung nên một số thí sinh sẽ trông chờ vào các trường chỉ xét tuyển bằng kết quả học tập và thi tốt nghệp THPT.

Đây là phương án được cho là an toàn nhất. Ông Bình dẫn ví dụ, ĐHKH Công nghệ Việt-Pháp, chỉ thông báo xét tuyển căn cứ kết quả của 5 học kỳ và điểm trung bình tuyển là 6,5.

Ông Đặng Kim Vui nói: Điều này phản ánh hiện thực về đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay. Đó là nhiều lĩnh vực ĐH đào tạo dễ xin việc hơn; Các ĐH địa phương trưởng thành hơn sau chục năm phấn đấu xây dựng cũng chia sẻ người học với các trường đào tạo khác... Thí sinh có nhiều lựa chọn trường hơn để học tập. Đây cũng là sự cạnh tranh lành mạnh khiến các trường phải tự nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, ông Đặng Kim Vui cũng nhận định: Ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và các trường tốp dưới sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh hơn năm trước, vì nguồn tuyển ít hơn.

Năm nay, nhiều trường chỉ xét tuyển dựa vào kết quả phổ thông. Theo ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại, năm nay không còn các thí sinh đi thi cầu may hoặc thi “hộ” cha mẹ như mọi năm. Thí sinh đã thực tế hơn với khả năng của mình.

Tuy nhiên, cho đến nay, không ai biết chắc là vì sao số lượng thí sinh lại giảm ở tất cả các khu vực.

Thí sinh nên chọn trường thi thế nào?

Năm 2014, tỷ lệ chọi của các trường đều thấp nhưng điều đó không có ý nghĩa nhiều. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương HN cho biết, dù có giảm đi khoảng 2.000 hồ sơ nhưng thí sinh đã định hướng thi vào ĐH năm nay đa số là những học sinh khá, giỏi.

Vì vậy, theo bà Thủy, thí sinh cần tỉnh tảo, căn cứ vào thực lực và mức điểm chuẩn bình quân của các trường ĐH những năm gần đây nhất để lựa chọn trường thi.

Bà Thủy phân tích: Thí sinh nên xem mình có thể đạt mức 16-17 điểm hay 20-21 điểm để xác định chọn trường thi nào cho phù hợp, nếu mình ở mức 13 -14 điểm thì có nên thi hay không, dù chỉ xét thuần túy về mặt thống kê.
 

Theo Tiền phong