Tuyển sinh đại học cao đẳng 2016: Đã có những cải cách thiết thực
Cập nhật lúc 18:49, Thứ tư, 09/03/2016 (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn ban hành về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Có thể nói, so với kỳ thi năm 2015, những điều chỉnh này đã thiết thực hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh. ( cao đẳng, tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT)
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn ban hành về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Có thể nói, so với kỳ thi năm 2015, những điều chỉnh này đã thiết thực hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh.
|
Dự kiến năm 2016 các trường sẽ được tăng quyền tự chủ trong khâu xét tuyển. Ảnh: Đào Ngọc Thạch (Thanhnien.vn) |
Theo công văn, những cải cách này dựa trên việc rút kinh nghiệm từ kỳ thi năm trước cộng với việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và toàn xã hội.
Đầu tiên là về cách thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT), thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tiếp trên website hoặc qua đường bưu điện mà không cần phải đến nộp hồ sơ trực tiếp. Thí sinh dùng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi để ĐKXT.
Thứ hai, quy định về việc thí sinh được chọn xét tuyển ở nhiều trường. Cụ thể ở đợt 1 là hai trường, đợt tiếp theo ba trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Thời gian xét tuyển là 12 ngày đối với đợt1 và 10 ngày đối với đợt tiếp theo thay vì 20 ngày như năm trước.
Có thể nói năm 2015 thực sự khủng hoảng khi thí sinh ồ ạt nộp hồ sơ vào rồi lại rút ra, chọn tối đa lên đến bốn ngành học khiến cho những ngày xét tuyển cuối như “vỡ trận”. Thí sinh và gia đình lại có tâm lý hoang mang, và kỳ thi đã vô hình biến thành một canh bạc thực sự. Cuối cùng xảy ra tình trạng nhiều thí sinh không có trường học, một số đỗ lại không vẻ vang gì, mang tâm lý “học đại”.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng Đào tạo sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhận xét việc cải cách một số quy định về việc chọn trường, chọn ngành năm nay phần nhiều có lợi cho thí sinh hơn vì được chọn tối đa hai trường và hai ngành mỗi trường. Do vậy, thí sinh cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khả năng, sở thích và xem xét về điểm chuẩn cũng như chỉ tiêu của từng ngành, từng trường để có chọn lựa chính xác.
Cuối cùng, các sở GD-ĐT và trường đại học chủ trì cụm thi công bố kết quả thi nhằm tạo thuận lợi cho các thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi. Các trường đại học chủ trì cụm thi sẽ cấp cho mỗi thí sinh một giấy chứng nhận để làm thủ tục nhập học. Tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc phụ huynh và thí sinh như năm 2015.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cũng cho biết thêm, với những cải cách này thì phía các trường cũng có những áp lực nhất định. Đầu tiên là về số lượng thí sinh ảo. Vì mỗi thí sinh sẽ có nhiều nguyện vọng, như năm 2015 thì lại có một số trường có số lượng thí sinh đăng ký lớn nhưng cuối cùng lại không đủ chỉ tiêu trong khi đó nhiều thí sinh lại chưa có trường học. Bên cạnh đó là về mặt thời gian xét tuyển cũng rút ngắn hơn đòi hỏi trường phải linh hoạt và xử lý nhanh chóng. Về phía nhà trường sẽ cố gắng đầu tư trang bị hệ thống cũng như phần mềm để kịp thời xử lý, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh.
Có thể nói kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 đang rất gần, những thay đổi của Bộ GD-ĐT phần nhiều đã lắng nghe được dư luận, hướng về phía thí sinh. Tuy nhiên, những thay đổi này vẫn thể khẳng định đã giải quyết được phần “gốc” hay chỉ mới ở phần “ngọn”. Xem ra cuộc “cách mạng giáo dục” của Bộ trưởng cũng còn nhiều gian nan.
Theo NTD
.