(BVPL) - Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 có những thay đổi liên quan đến việc điều chỉnh chỉ tiêu cho các khối thi truyền thống, quy định làm tròn điểm đến 0,25 điểm, bỏ điểm sàn bậc cao đẳng. Đặc biệt,  hai điểm nổi bật trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay được nhiều người quan tâm là cách thức tuyển sinh và nguyện vọng xét tuyển. Những điểm mới trong nguyện vọng xét tuyển năm nay đang được kỳ vọng khắc phục được tình trạng “chạy đua” trong việc nộp đơn xét tuyển ĐH, CĐ.

 


Theo phương án đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định gồm đợt xét tuyển đầu tiên và đợt xét tuyển bổ sung. Đợt xét tuyển đầu tiên bắt đầu từ ngày 1/8/2016, thời gian đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo; Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.Tương tự như đợt đầu, thí sinh cũng không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp. Hạn cuối cùng của đợt xét tuyển cuối đến hết ngày 20/10/2016 đối với hệ ĐH và đến hết ngày 15/11 đối với hệ CĐ.

Năm 2016, học sinh sẽ chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi và kèm một mã để xét tuyển. Do vậy, học sinh khi ĐKXT chỉ điền mã kết quả thi mà không phải nộp bản chính như mọi năm. Khi trúng tuyển, học sinh sẽ phải nộp bản chính giấy chứng nhận vào trường trúng tuyển. Trường hợp đỗ cùng lúc 2 trường thì các em được lựa chọn 1 trong 2, nếu các em nộp giấy bản chính vào trường nào thì đồng nghĩa các em xác nhận trúng tuyển vào trường đó và không được xét tuyển tiếp. Trường hợp thí sinh trúng tuyển mà không nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thì thí sinh có quyền được xét tuyển tiếp các đợt sau cho tới khi nộp giấy bản chính vào thì không được quyền xét tiếp.

Theo ý kiến của nhiều người, thì quy định này cho phép thí sinh tăng số trường đăng ký trong cả đợt xét tuyển đầu tiên và các đợt xét tuyển bổ sung, giảm tình trạng chọn đại ngành học để đậu đại học như những năm trước. Việc cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành và 2 ngành đó ở 2 trường có thể trùng nhau, dẫn tới chọn ngành theo sở thích và nguyện vọng của học sinh cũng đã được nâng cao hơn. Vấn đề cốt lõi của năm 2016 là các trường phải giải quyết vấn đề trúng tuyển ảo sao cho tình trạng xét tuyển không quá lộn xộn.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học xét tuyển theo nhóm. Khi đăng ký xét tuyển theo nhóm, thí sinh được quyền sử dụng tất cả các nguyện vọng của mình để đăng ký xét tuyển vào nhóm trường có cùng ngành. Ví dụ, thí sinh xét tuyển ở đợt 1 thì có thể đăng ký vào 4 trường khác nhau trong cùng một nhóm. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng thí sinh có thể đạt điểm cao nhưng bị trượt đại học vì số lượng thí sinh ảo.

Tuy nhiên, dự báo mức độ thí sinh ảo trong đợt 1 năm nay có thể tương đương với những năm thi 3 chung, khi mà thí sinh thường thi 2 khối xét tuyển khác nhau. Vì vậy, năm 2016, yêu cầu thí sinh trúng tuyển vào trường phải nộp giấy báo kết quả thi ở trong thời hạn quy định. Quá thời hạn đó thì thí sinh xem như không có nguyện vọng vào trường. Do vậy, trường có quyền xét tuyển thí sinh tiếp theo chứ không phải đợi đến khi nhập học giống như mọi năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không quy định là việc trúng tuyển đợt sau bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước để các trường chủ động hơn trong việc xác định chỉ tiêu mới gọi trúng tuyển.
 

Tú Uyên

.