(BVPL) - Mối quan hệ của cha mẹ là một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng không chỉ đến tâm lý mà còn đến cả sự thành công của con cái. Khi một đứa trẻ lớn lên không thành công trong cuộc sống, luôn buồn bã chán nản, có nhiều suy nghĩ tiêu cực, rất có thể đó là hậu quả do cách cư xử của bố mẹ trong quá khứ.
 
Trên đời này, nếu nói có việc gì là khó khăn nhất, đó có lẽ chính là việc làm cha làm mẹ. Không chỉ đơn giản là nuôi lớn một con người, mà đó còn là việc nuôi dưỡng một tâm hồn. Thành nhân hay thành ma, phần lớn trách nhiệm thuộc về bậc cha mẹ. Thực tế, để ảnh hưởng tới sự phát triển của một con người cần rất nhiều yếu tố xung quanh, từ điều kiện kinh tế xã hội nơi đứa trẻ sinh sống, môi trường sống và cả trình độ giáo dục của bố mẹ chúng nữa.
 
Chẳng có một phương pháp nuôi dạy trẻ nào đáp ứng đủ điều kiện để được coi là lý tưởng cả, bởi điều đó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Tuy nhiên, chính thái độ của bố mẹ đối với con cái mới là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến tương lai sau này của đứa trẻ.
 
Cha mẹ thường xuyên tranh cãi và sử dụng bạo lực
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Nếu cha mẹ giải quyết tranh cãi lịch sự, con có kỹ năng xã hội tốt. Không tránh khỏi những lúc cha mẹ tranh cãi trước mặt con cái. Nhưng cách cha mẹ thỏa hợp, điều chỉnh cảm xúc một cách có kiềm chế, văn minh, không dùng từ ngữ thô tục cho nhau sẽ giúp con phát triển kỹ năng xã hội, lòng tự trọng, sự can đảm tốt hơn.
 
Bạo lực giữa cha mẹ gây hại cho sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, hình phạt mà theo chúng tôi, phổ biến nhất mà các bậc phụ huynh thường sử dụng để răn đe trẻ về lỗi sai của chúng chính là đòn roi. Dân gian có câu "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Tuy nhiên, theo kết quả từ các nghiên cứu khác nhau, sự xung đột, bạo lực, xúc phạm lẫn nhau giữa cha mẹ sẽ để lại di chứng, sự tổn thương tâm lý nặng nề cho trẻ, khiến trẻ bị trầm cảm, sợ, không tin, hoặc không đón nhận tình cảm thân mật từ người khác kể cả khi đã trưởng thành.
 
Không những thế, hành vi bạo lực còn gây ra vấn đề về thể chất như các bệnh liên quan đến thần kinh, mạch máu và hệ miễn dịch.
 
"Chiến tranh lạnh" nghe chừng có vẻ bình thường nhưng cũng sẽ gây ra vô số vấn đề. Không chỉ xung đột, tranh cãi to tiếng mới gây ra vấn đề. Khi cha mẹ không nói gì, nhưng cũng không nhìn mặt nhau sẽ dẫn đến trường hợp con cái luôn hoài nghi, nhút nhát, không biết chuyện gì đúng, chuyện gì sai. Về lâu về dài, các em sẽ dễ bị thờ ơ, thiếu sự nhiệt tình trong cuộc sống, cũng như sự nghiệp sau này.
 
Cha mẹ lạnh lùng, xa cách với con cái
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Đối với nhiều người, bố mẹ không gần gũi con thì con sẽ không thể nào vui vẻ được. Điều này không sai, bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng rằng những đứa trẻ không được hưởng tình thương ấm áp đầy đủ từ bố mẹ khi lớn lên thường có nhiều vấn đề về thái độ cư xử, có cảm giác không an toàn và rất khó khăn trong thể hiện cảm xúc.
 
Những đứa trẻ đáng thương ấy sẽ có xu hướng khép mình với xã hội và luôn thường trực cảm giác lo âu. Cũng chính bởi vậy, chúng chẳng thể dễ dàng thành công trong cuộc sống khi còn vướng bận quá nhiều điều không vui.
 
Cha mẹ biểu lộ tình cảm, con cái thành công hơn. Khi một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ biết cách yêu thương, quan tâm, chấp nhận, ủng hộ, không phán xét, so sánh con mình với con người ta, thì đứa trẻ sẽ cảm thấy an toàn, ổn định phát triển. Hơn nữa, tình cảm của cha mẹ sẽ dần dần trở thành thước đo về nhân cách, thái độ sống của con sau này.
 
Không động viên con cái tự lập
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Trên thực tế, phần lớn các vị phụ huynh có xu hướng kìm cặp, bao bọc con mình quá mức, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu sau này cho đứa trẻ. Cụ thể, đứa trẻ sẽ thiếu tự tin và trở nên quá dựa dẫm.
 
Thật vậy, chẳng cần đến bất cứ báo cáo khoa học hay công bố cao siêu gì, chỉ cần nhìn cái cách mà ông bà, bố mẹ ủ con trong ổ, giam hãm bên trong 4 bức tường vì sợ con ốm, con đau, con bị bẩn thì làm sao sau này đứa trẻ có thể cứng cáp, khỏe mạnh được?
 
Chưa kể, giờ đây người ta có nhiều chiêu trò khác để đánh lạc hướng con mình khỏi những hoạt động ngoài trời. Người ta dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh, truyền hình cáp với máy tính nối mạng để tạo một "sân chơi" bao quanh là tường bê tông và nền cát bằng gạch bông sáng loáng cho đứa trẻ.
 
Kiểm soát con mình quá chặt

 

Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Nhiều bậc phụ huynh thường lầm tưởng hành động kiểm soát, bao bọc con cái mình quá đáng là tình yêu thương mình dành cho con. Đồng ý rằng bây giờ xã hội quá loạn để có thể cho bọn trẻ tự phát triển, nhưng cũng không đến nỗi các vị phụ huynh phải đi theo rình rập, phải giành quyền kiểm soát mọi thứ xung quanh con mình.
 
Bên cạnh đó, số học sinh, sinh viên có bố mẹ quá kiểm soát thường không cởi mở với những cái mới, hay tự ti, nhất là rất hay dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần. Thế nên, các phụ huynh à, hãy để con mình có một khoảng riêng tư để chúng tự hình thành tính cách.
 
Cho con tự do đi ngủ vào bất cứ giờ nào

 

Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Hành động tưởng như tôn trọng quyền tự do, cũng như rèn tính tự lập cho trẻ này của các bậc phụ huynh hóa ra lại không mang lại kết quả như ý muốn.
 
Nghiên cứu của các khoa học gia người Anh đã chứng minh được mối liên hệ giữa thời gian ngủ bất ổn định với những biểu hiện tiêu cực của trẻ, ví dụ như tăng động, hạnh kiểm kém ở trường và khó biểu hiện cảm xúc. Ngoài ra, chính việc không cho trẻ em đi ngủ đúng giờ sẽ gây tác động xấu đến sự phát triển não ở trẻ nhỏ.
 
Cho trẻ xem TV từ khi còn quá nhỏ
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Ngày nay, hành động dỗ dành con cái đã không dừng lại ở những lời nói, những cái ôm, không thiếu những phụ huynh Việt sử dụng TV như một biện pháp cứu cánh hữu hiệu nhằm lôi kéo sự tập trung của trẻ, sau đó sẽ dễ dàng cho con ăn hơn.
 
Trên thực tế, nghiên cứu đã chứng minh rằng cho trẻ em xem TV quá nhiều trong 3 năm đầu đời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng từ ngữ, cũng như khiến trẻ có khả năng trở nên ngang ngược, hay bắt nạt bạn bè khi bắt đầu theo học mầm non. Xem nhiều TV cũng là tác nhân gây ra chứng mất tập trung của trẻ, giảm khả năng tư duy Toán và khả năng đọc chính xác trong tương lai.
 
Tuy nhiên, vẫn có một số chương trình được chứng minh là tốt với sự phát triển của trẻ, ví dụ như các show tạp kỹ dành riêng cho trẻ em 2-2,5 tuổi có các hoạt động, bài học kích thích tư duy, phản ứng của trẻ.
 
Cha mẹ độc đoán
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Bố mẹ độc đoán là những bậc phụ huynh có xu hướng luôn gò ép con mình phải làm theo những gì mà họ sắp đặt, vẽ ra. Họ sẽ sắp xếp sẵn cho con phải-thích môn học gì, phải-ăn cái gì, phải-tập cái gì, phải-thi vào đâu, phải-làm nghề gì, mặc cho con có muốn hay là không. Đơn giản chỉ vì họ muốn thế.
 
Họ tin rằng, với kinh nghiệm sống của mình, gò ép con vào khuôn khổ mà họ tự nghĩ ra sẽ là cách tốt nhất để con có thể toàn vẹn phát triển, cũng như giữ gìn được thanh danh cho gia đình.
 
Như một điều hiển nhiên, những đứa trẻ phải cố gồng mình khớp vào chiếc khuôn không vừa ấy khi đi học sẽ vô cùng chật vật, khó thể hiện bản thân cũng như thiếu sự thỏa mãn trong cuộc sống.
 
Cha mẹ nghiện sử dụng điện thoại
 
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Những người cha, người mẹ hàng ngày ôm lấy chiếc điện thoại, sử dụng nó liên tục khi ở bên con trẻ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đứa bé. Bố mẹ mất tập trung vào con, không thể lường trước hay kiểm sát những nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh có thể xảy đến cho con cái của mình.
 
Điện thoại thông minh tiềm tàng một nguy cơ khá cao đến sự hạnh phúc và khả năng phát triển của một đứa trẻ trong tương lai. Đồng thời, tồn tại một sự gia tăng khả năng thương tích ở trẻ mà nguyên nhân là ở điện thoại thông minh mà bố mẹ sử dụng.
 
Thùy Hương (t/h)