Báo Bảo vệ pháp luật số 101 ra ngày 19/12/2017 và số 04 ra ngày 07/01/2018 có bài viết phản ánh những bức xúc của các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại Trường tiểu học Tề Lỗ thuộc xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh việc bà Bùi Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tề Lỗ đã có nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác quản lý, thu nhiều khoản không đúng quy định của pháp luật, thu và chi tiêu không đúng lên đến con số hàng tỷ đồng, bất chấp các văn bản của cấp trên chỉ đạo…

leftcenterrightdel
 

Ngay sau khi hai bài viết được đăng tải, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc đã vào cuộc và có kết luận với 14 nội dung đã được các bậc phụ huynh tố cáo về những việc làm khuất tất của bà Trần Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tề Lỗ. Cụ thể:

Về thu tiền xã hội hóa giáo dục được kết luận: “Việc thu tiền xã hội hóa làm sân trường chưa đủ hồ sơ theo quy định, hồ sơ thu ủng hộ của phụ huynh học sinh và các cá nhân chỉ có danh sách thu, có ký nộp vào sổ của giáo viên chủ nhiệm, không có biên lai, phiếu thu tiền ủng hộ của phụ huynh học sinh và của từng tập thể và cá nhân, chưa đảm bảo theo quy định tài chính hiện hành”.

Về việc thu, chi tiền giấy kiểm tra từ năm học 2014 đến nay, văn bản kết luận: “Nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ học sinh vận động thu tiền vệ sinh, chăm sóc khuôn viên trường là không đúng Văn bản hướng dẫn số 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc và Thông tư số 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc, các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh). Việc thu chi không đúng nguyên tắc, không đúng quy định về chi tiêu tài chính, chi sai mục đích”.

Về thu tiền quỹ lớp, quỹ hội cha mẹ học sinh thì được kết luận như sau: “Việc chi, nhà trường tham mưu không đúng theo Thông tư 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Về việc tiền quỹ khuyến học thì được kết luận như sau: “Việc thu được phép thực hiện theo Hướng dẫn số 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc. Nhưng triển khai thu không đúng theo trình tự hướng dẫn theo văn bản trên. Một số nội dung chi sai mục đích quỹ khuyến học với số tiền xấp xỉ 43 triệu đồng”. Về việc thu tiền đầu vào lớp 1: “Thu không đúng theo hướng dẫn tại Văn bản 1368/HD-UBND ngày 01/12/2012 của UBND huyện Yên Lạc. Việc chi tiền năm học từ 2014 đến 2016 không đúng mục đích thỏa thuận với Hội cha mẹ học sinh là mua quạt điện, tủ đựng đồ dùng mà chi vào việc tăng cường cơ sở vật chất chung của trường, nên gây thắc mắc cho Hội cha mẹ học sinh. Năm học 2016-2017, các biên bản bàn giao cơ sở vật chất cho nhà trường không rõ ràng. Nhà trường không làm đúng quy trình, thủ tục tiếp nhận và không định giá, nhập vào sổ quản lý tài sản nhà trường theo quy định”.

Về tiền ăn bán trú, văn bản kết luận: “Từ năm 2014 đến nay, Hiệu trưởng nhà trường có biểu hiện buông lỏng việc quản lý thu, chi ăn bán trú của học sinh, không hạch toán kế toán và mở sổ sách thu, chi là sai theo quy định tài chính hiện hành. Hồ sơ quản lý không đảm bảo nguyên tắc, không rõ ràng rành mạch, hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm nộp tiền ăn bán trú cho người phụ trách bếp ăn, phụ trách bếp ăn chủ động thu, chi không đủ các chứng từ thu, chi (khi thanh toán cho người bán hàng thực phẩm, gạo, rau, sổ ghi chép mua rau, gia vị không có số lượng, chỉ ghi tổng tiền một ngày, nhiều ngày mua thịt không ghi cụ thể loại thịt, chỉ giao tiền theo số liệu sổ theo dõi chi hàng ngày, không có biên bản, biên nhận giao tiền, giao hàng). Nhà trường công khai dân chủ thu, chi tiền ăn bán trú tại cửa nhà bếp, không thuận tiện cho phụ huynh giám sát; thiếu kiểm tra, giám sát thu, chi và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều tuần, không được phụ huynh học sinh kiểm tra, giám sát xác nhận. Việc xây dựng thực đơn hàng ngày cho học sinh, nhà trường áp dụng máy móc như: tính gia vị 700 đồng/HS, rau 700/HS, tính 10% hóa đơn giá trị gia tăng khi mua thịt lợn làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của trẻ...”. Về việc thu tiền tăng cường cơ sở vật chất bán trú thì được kết luận như sau: “…Tồn tại khi mua bổ sung đồ dùng bán trú, sửa chữa điện nhà trường không có biên bản thực hiện kiểm tra hiện trạng, kiểm kê cơ sở vật chất đồ dùng bán trú để xác định thiếu, đủ để mua bổ sung”. Về việc dạy kỹ năng sống thì được kết luận như sau: “Nhà trường đã phổ biến nhưng không triển khai”. Về việc tổ chức hội cha mẹ học sinh được kết luận như sau: “… Việc cử Ban đại diện cha mẹ học sinh và hội trưởng, tham mưu hoạt động của hội cha mẹ học sinh là không đúng theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-GBDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh”. Về việc dân chủ công khai các khoản chi trong các năm học và thái độ của hiệu trưởng với phụ huynh học sinh và giáo viên thì được đánh giá như sau: “9/22 giáo viên chủ nhiệm được hỏi ý kiến rằng hiệu trưởng không dân chủ công khai các khoản thu, chi trong các năm học. 4/22 giáo viên chủ nhiệm được hỏi ý kiến cho rằng, hiệu trưởng có hống hách với cha mẹ học sinh”.

leftcenterrightdel

Tại phần kết luận chung, văn bản ghi rõ: Trong các phần nội dung tố cáo của phụ huynh học sinh đối với bà Bùi Thị Sâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tề Lỗ, sau xác minh có 07 nội dung thực hiện đúng, 08 nội dung sai phạm… Các nội dung sai phạm như được nêu ở trên.  

Như vậy, sau gần 1 tháng, kể từ khi báo Bảo vệ pháp luật có loạt bài viết phản ánh thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc đã kết luận hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý của bà Bùi Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tề Lỗ. Báo Bảo vệ pháp luật rất hoan nghênh sự vào cuộc tích cực của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc sớm đưa ra kết luận về những sai phạm của bà Sâm. Hy vọng vụ việc sẽ được Huyện ủy, UBND huyện Yên Lạc xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có kết luận của Huyện ủy và UBND huyện Yên Lạc.

Trọng Tài - Xuân Vũ